Dịch COVID-19: Nhật Bản công bố kế hoạch mới nhằm khống chế dịch

13:11' - 25/02/2020
BNEWS Trong bản kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì nhận định rằng nước này mới có các ổ dịch nhỏ, chưa phải đối mặt với đại dịch quy mô lớn. 
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/2, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch mới nhằm khống chế dịch trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 159 trường hợp, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess. 

Kế hoạch này được soạn thảo trên cơ sở ý kiến của nhóm chuyên gia y tế gồm 14 thành viên do Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji đứng đầu. Trong bản kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì nhận định rằng nước này mới có các ổ dịch nhỏ, chưa phải đối mặt với đại dịch quy mô lớn.

Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2; khuyến nghị các cá nhân nghỉ làm hoặc nghỉ học ở nhà nếu có các triệu chứng của cảm lạnh; khuyến cáo các công ty đẩy mạnh áp dụng mô hình làm việc từ xa và cho phép nhân viên đến làm việc sớm hoặc muộn hơn để tránh đi tàu điện vào các giờ cao điểm nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngoài các cơ sở y tế được chỉ định, Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép cả các cơ sở y tế khác ở những khu vực có số lượng người nhiễm tăng phải tiếp nhận bệnh nhân. Tuy nhiên, các cơ sở y tế này phải thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh như xây dựng khung giờ tư vấn khác nhau cho các bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Chính quyền các địa phương sẽ quyết định ưu tiên cho cơ sở y tế nào chữa trị các bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng. Trước đây, chính phủ yêu cầu những người nghi nhiễm SARS-CoV-2 liên hệ với các cơ sở y tế được chỉ định để xét nghiệm và chữa trị.

Trong cuộc họp ngày 24/2, nhóm chuyên gia của ông Takaji nhận định một hoặc hai tuần tới sẽ là thời điểm cực kỳ quan trọng để Nhật Bản có thể kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng ca nhiễm trong bối cảnh vẫn chưa xác định được con đường lây nhiễm.

Hơn thế nữa, các chuyên gia cũng tỏ ra quan ngại về việc nhiều giường bệnh trong một số bệnh viện ở thủ đô Tokyo đã được sử dụng cho những hành khách trên du thuyền Diamond Princess, vốn được coi là ổ dịch COVID-19 lớn nhất ở Nhật Bản.

Tính đến cuối ngày 24/2, Nhật Bản có tổng cộng 851 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 14 người được sơ tán từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trên các chuyến bay do Chính phủ Nhật Bản thuê; 691 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ở cảng Yokohama, giáp thủ đô Tokyo; và 146 người khác là những trường hợp lây nhiễm ở Nhật Bản hoặc du khách đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có 5 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong đó có 4 du khách của du thuyền Diamond Princesse.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ủy ban quốc gia về bệnh truyền nhiễm của Thái Lan (NCDC) đã chính thức tuyên bố dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song cũng cho biết tình hình dịch bệnh này ở Thái Lan chưa tới giai đoạn ba.

Phát biểu sau cuộc họp của NCDC chiều 24/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết việc tuyên bố COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ cho phép nhà chức trách ứng phó hiệu quả hơn. Điều này không có nghĩa là Thái Lan đã bước vào giai đoạn ba của dịch COVID-19, mà là để tình hình không leo thang lên giai đoạn thứ ba.

Bằng việc đưa COVID-19 vào danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các quan chức y tế có thể áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa hơn, như cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng, đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh cấm đi lại, ra lệnh cho những người nghi nhiễm vào cách ly tại các bệnh viện và cho phép nhập khẩu thuốc chưa được cấp phép sử dụng ở trong nước nhưng có tiềm năng điều trị khỏi bệnh. Những ai không tuân thủ các quy định sẽ bị phạt tối đa 20.000 baht (khoảng 630 USD).

Hình phạt sẽ nặng hơn đối với những người cố tình vi phạm các quy định kiểm soát dịch bệnh, với mức án 1 năm tù giam và 100.000 baht tiền phạt.

Theo nhà chức trách Thái Lan, giai đoạn thứ nhất là lây truyền từ động vật sang người, giai đoạn thứ hai là lây nhiễm ở quy mô địa phương, trong khi giai đoạn ba là lây nhiễm trên diện rộng và không kiểm soát được. Ông Anutin cho biết Thái Lan đang ở giai đoạn hai của dịch COVID-19, khi việc lây nhiễm vẫn rất hạn chế, nhưng nước này phải sẵn sàng thực hiện các biện pháp để duy trì theo hướng đó. Theo ông Anutin, động thái nói trên có thể ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm với số lượng lớn như ở Hàn Quốc.

COVID-19 là bệnh thứ 14 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở Thái Lan, sau những bệnh mới được đưa vào gần đây như bệnh lao kháng thuốc, Hội chứng Hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp (SARS). Quyết định đưa COVID-19 vào danh sách này sẽ có hiệu lực một ngày sau khi được đăng tải trên Công báo Hoàng gia.

Đến nay, số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Thái Lan vẫn giữ nguyên là 35, và hơn 1.000 trường hợp đang được kiểm tra. Ngày 24/2, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha yêu cầu các tỉnh trưởng điều tra những tin tức nói rằng một số người Thái Lan đã đưa những người Trung Quốc bị nhiễm virus đến các bệnh viện ở biên giới.

Ông Prayut khẳng định Thái Lan có sự kiểm tra nghiêm ngặt tại các điểm xuất nhập cảnh dọc theo biên giới trên bộ, trên biển và tại các cảnh hàng không, và người Trung Quốc khi nhập cảnh bất hợp pháp sẽ bị trục xuất. Quân đội đã phái binh sĩ tới sàng lọc những người khả nghi và báo cáo của Bộ Y tế cho thấy không có bệnh nhân bị nhiễm nào được tìm thấy tại các bệnh viện này. Thủ tướng Prayut cũng khẳng định rằng Thái Lan không che giấu thông tin về người bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục