Dịch COVID-19: Nhiều tổ chức tín dụng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

15:33' - 04/03/2020
BNEWS Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều chi nhánh tổ chức tín dụng tại Khánh Hòa thực hiện việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
 Khách hàng giao dịch tại Hội sở VPBank ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bên cạnh việc cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các chi nhánh ngân hàng tại Khánh Hòa rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, vận tải, nông nghiệp, xuất khẩu, vận tải,...

Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.

Tại thời điểm này, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố sẽ hỗ trợ các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...).

Đối với khách hàng hiện đang có dư nợ vay bằng VND bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Vietcombank sẽ giảm lãi suất từ 1% đến 1,5%/năm. Đối với các khoản vay bằng đồng USD, lãi suất cho vay giảm từ 0,5% đến 0,75%/năm.

Riêng các khoản vay mới, Vietcombahk sẽ giảm 1%/năm lãi suất vay bằng VND và 0,5%/năm bằng USD. Ngoài giảm lãi suất cho vay Vietcombank cũng sẽ giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này.

Đặc biệt, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch COVID-19” với hạn mức 100 tỷ đồng, áp dụng đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch thuộc các ngành nghề du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch); lãi suất cho vay giảm 0,3%/năm đối với đồng USD và giảm 0,5%/năm đối với đồng VND; thời gian triển khai từ 10/2/2020 đến khi hết dịch.

Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) quyết định giảm lãi suất cho vay 1 5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản...

Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (KienLongBank) giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng vay vốn trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ tháng 2 đến 30/4/2020.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm đối với các hợp đồng tín dụng đang còn hiệu lực của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng không áp dụng lãi suất phạt quá hạn trong thời gian từ 3 - 6 tháng.

Đáng lưu ý, một số chi nhánh tổ chức tín dụng khác cũng đang rà soát và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra để có hỗ trợ kịp thời, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch để khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, mỗi địa phương. Điều này nhằm mục tiêu đảm bảo sự ổn định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và xuất nhập khẩu trong tình hình hiện nay, hướng đến sự phát triển bền vững sau này./.

Tiên Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục