Dịch COVID-19 phơi bày sự khác biệt trong mô hình tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc

11:42' - 29/04/2020
BNEWS Theo trang Project Syndicate, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã góp phần phơi bày những khác biệt về hệ thống giữa Mỹ và Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Vernon, Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bất chấp việc hai quốc gia này vốn bị khóa chặt trong một cuộc cạnh tranh thúc đẩy bởi ý thức hệ thậm chí trước cả khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn có ít nhất một điểm chung, đó là giải quyết hậu quả của các biện pháp chống dịch sau khi cuộc khủng hoảng qua đi.

Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và điều này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cùng với việc phá vỡ chu kỳ kiếm tiền và chi tiêu giúp duy trì tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ giảm khoảng 3% trong năm nay. GDP của Trung Quốc cũng đã giảm 6,8% trong quý I/2020.

Tuy nhiên, các biện pháp y tế công cộng mà hai nước này thực hiện và kết quả của chúng có sự khác nhau rõ rệt. Sự phong tỏa “hà khắc” của Trung Quốc đã khiến các ca lây nhiễm mới giảm mạnh, trong khi phản ứng chậm trễ và không dứt khoát của Mỹ dẫn đến hậu quả là số ca lây nhiễm và tử vong tăng cao.

Kết quả khác biệt này thường được quy cho sự khác biệt về chính trị. Kế hoạch tập trung của Trung Quốc cho phép tiến hành các hành động kiên quyết hơn. Nhưng lời giải thích này lại bỏ qua một khía cạnh quan trọng, theo đó mô hình tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc đã định hình phản ứng của những nước này cũng như tác động về kinh tế và tài chính của đại dịch.

Ở Mỹ, hàng thập kỷ thực hiện các chính sách tân tự do đã dẫn tới sự phụ thuộc vào tiêu dùng dựa trên việc vay nợ. Người dân Mỹ tiết kiệm rất ít nhưng lại vay mượn nhiều. Chính phủ Mỹ cũng vậy, nhờ vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức thấp, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi các chính sách tiền tệ nới lỏng, phần lớn là do những cú sốc nguồn cung được tạo ra bởi sự hội nhập của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác vào nền kinh tế toàn cầu.

Fed đang thực hiện biện pháp này một lần nữa khi đại dịch xảy ra, với việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng bảng cân đối chi tiêu thêm hơn 2.400 tỷ USD trong vòng 6 tuần qua nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thanh khoản có hệ thống. Hệ thống tài chính của Mỹ đã tạo đòn bẩy quá mức, trong khi ngày càng mất kết nối với nền kinh tế thực.

Các công ty niêm yết tại Phố Wall chủ yếu giao dịch với nhau, hơn là phục vụ Phố Chính. Phố Wall và Phố Chính là cách chơi chữ nhằm thể hiện sự phân chia trong xã hội Mỹ. Phố Wall được dùng để chỉ tầng lớp thượng lưu - thành phần nhận được đa số lợi ích từ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.

Trong khi đó, Phố Chính ám chỉ tầng lớp trung lưu - những người phải chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế.

Các tập đoàn phụ thuộc nhiều vào các thị trường vốn hơn là các ngân hàng. Hơn nữa, bất chấp những tiến bộ trong thanh toán điện tử, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ tiếp tục hoạt động chủ yếu bằng tiền mặt, séc giấy và thẻ tín dụng.

Một cửa hàng tại thành phố San Mateo, California, Mỹ, đóng cửa ngày 2/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Tài chính Mỹ đang phân phát các khoản chi kích thích cho người dân thông qua các khoản ký gửi trực tiếp và séc gửi qua đường bưu điện.

Các nền tảng công nghệ đã tận dụng mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi việc vay nợ này, thúc đẩy chi tiêu liên tục của người tiêu dùng, thông qua các quảng cáo có chủ đích, với ít sự quan tâm đối với những người lao động đang cố gắng kiếm thu nhập trên các nền tảng trực tuyến này.

“Nền kinh tế làm việc tự do” đã thể hiện sự năng động một chiều, với việc nền tảng công nghệ được tối ưu hóa để bán hàng, trong khi chỉ cung cấp cho người lao động điều kiện tối thiểu về đào tạo và bảo vệ.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy bất kỳ một sự gián đoạn nào của chu kỳ vay nợ-tiêu dùng có nguy cơ gây ra sự sụp đổ gần như ngay lập tức. Khi thu nhập bị cắt đứt, các thể chế tài chính tư nhân cắt giảm tín dụng và các khoản nợ khó đòi.

Tiêu dùng giảm mạnh sẽ làm thu nhập giảm hơn nữa. Để ngăn chặn thảm họa, Fed và Bộ Tài chính buộc phải can thiệp, chuyển rủi ro tín dụng sang bảng cân đối của khu vực công.

Trong khi đó, mô hình kinh tế của Trung Quốc đã tránh được rất nhiều cạm bẫy này. Ngoài tiết kiệm cao, Trung Quốc đã dựa vào đầu tư và xuất khẩu hơn là mức tiêu thụ nội địa không bền vững để thúc đẩy tăng trưởng.

Hơn nữa các nền tảng công nghệ sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đã kết nối nền kinh tế truyền thống với một hệ sinh thái kỹ thuật số có thể truy cập rộng rãi, khuyến khích người tiêu dùng vừa chi tiêu vừa kiếm tiền, từ đó thúc đẩy khả năng cơ cấu và tổ chức của nền kinh tế Trung Quốc.

Những kết quả này không phải của riêng chính sách kế hoạch tập trung, mà còn là của quá trình thử nghiệm liên tục trên thực tế và sự điều chỉnh thích nghi dựa trên các phản hồi từ cơ sở.

Chính các nền tảng công nghệ, chứ không phải các nhà hoạch định trung tâm, phát triển các mạng lưới bao trùm mà thúc đẩy sự sáng tạo, thiết lập các thị trường mới và tạo ra công ăn việc làm. Các nhà điều phối chỉ đơn thuần là thúc đẩy quá trình này.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy những lợi ích của cách tiếp cận này. Các hệ sinh thái “siêu ứng dụng” của Trung Quốc tạo ra các mô hình kinh doanh số khép kín “kiếm tiền-tiêu dùng-trả nợ” một cách bền vững, mà có thể kết hợp các chức năng kinh doanh và tiêu dùng, khác xa với các mô hình của phương Tây vẫn bị phân chia theo các quy định của từng lĩnh vực.

Trong thời kỳ phong tỏa, Alibaba, Pinduoduo và các thị trường số khác đã trở thành cứu cánh cho nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ kết nối với hàng triệu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các công ty hậu cần trực tuyến như là JD.com cũng rất quan trọng vì họ đảm bảo việc vận chuyển các hàng hóa thiết yếu trong thời kỳ phong tỏa.

Trong khi đó, nền tảng truyền thông xã hội WeChat của Tencent đã giúp mọi người giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, đồng thời cho phép một số cá nhân sáng tạo kiếm thêm thu nhập từ các trang blog và vlog.

Đây là một yếu tố quan trọng trong mô hình của Trung Quốc từ tiết kiệm-tiêu dùng-vay nợ-thu nhập đã thể hiện khả năng phục hồi tốt hơn so với mô hình tiêu dùng dựa vào vay nợ của phương Tây.

Đó cũng là lý do chính tại sao khu vực tài chính của Trung Quốc không phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng trong thời kỳ phong tỏa nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục