Dịch do virus Corona: Hiệu ứng domino đối với ngành chế tạo ô tô thế giới (Phần 1)

06:30' - 13/02/2020
BNEWS Sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã gây thiệt hại đến thành phố Vũ Hán, “trái tim” của ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Phần lớn các hoạt động tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi nguồn của virus Corona và cũng là nơi loại virus chủng mới này đang hoành hành mạnh mẽ nhất, đã bị phong tỏa. Bên cạnh Vũ Hán là một số thành phố lân cận, khiến hơn 50 triệu người và nhiều nhà máy bị cô lập.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là “miền đất hứa” cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Giờ đây, sự bùng phát của virus Corona có nguy cơ kéo dài sự sụt giảm doanh số bán xe, làm "trật bánh" sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng tự động toàn cầu. Volkswagen, Daimler, Toyota, General Motors (GM), Renault, Honda và Hyundai nằm trong số những “người khổng lồ” đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, hợp tác với các công ty địa phương và xây dựng các nhà máy lớn ở đây.

Trung Quốc sản xuất nhiều ô tô hơn bất kỳ quốc gia nào và cũng là thị trường lớn nhất thế giới. Khi các nhà máy ô tô trên khắp Trung Quốc đóng cửa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, ngành công nghiệp xe hơi vốn đã chịu những áp lực lớn như doanh số sụt giảm trong hai năm và tăng trưởng kinh tế chậm chạp. 

Sản lượng của Trung Quốc có thể thiệt hại hàng triệu chiếc, bởi các nhà máy ở Vũ Hán, "một thủ phủ công nghiệp” của Trung Quốc, có thể phải đóng cửa lâu hơn dự kiến. Vũ Hán đóng vai trò là cơ sở sản xuất chính cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sản xuất nước ngoài như Nissan, Kia, Peugeot và Honda. Nissan sản xuất khoảng 1,5 triệu xe mỗi năm tại các nhà máy tại đây còn Honda là khoảng 700.000 chiếc. Nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như Đông Phong (Dongfeng) cũng có nhà máy tại Vũ Hán và khu vực lân cận.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới và phần lớn các xe được bán tại đây đều được sản xuất trong nước. Khi chất lượng lao động địa phương được cải thiện, các hãng nước ngoài đều tăng cường sử dụng các linh kiện do Trung Quốc sản xuất ngay cả tại các nhà máy trong nước.

Tuy nhiên, mối quan tâm ngày càng tăng hiện nay là những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô nói chung và hoạt động lắp ráp ô tô nói riêng ở bên ngoài Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc xuất khẩu tương đối ít xe hơi ra nước ngoài, nước này xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD phụ tùng và linh kiện xe hơi trên toàn cầu, với khoảng 20% đến thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, các công ty Mỹ thường mua các bộ phận ô tô của Trung Quốc một cách gián tiếp, thông qua Nhật Bản hoặc Mexico. Danh sách này bao gồm mọi thứ, từ vô lăng đến giảm xóc, cho đến các loại ốc vít và bu lông, vòng đệm, lò xo và đinh tán đồng. Tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vốn là tâm dịch do virus Corona, là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu phụ tùng lớn. Ước tính có tới hơn 500 hãng sản xuất phụ tùng xe hơi hoạt động ở đây. 

Giới chuyên gia trong ngành cho biết, các nhà cung cấp phụ tùng ô tô đã có một lượng hàng dự trữ nhất định trong kho hoặc đang trên đường vận chuyển trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, lượng hàng dự trữ này sẽ cạn kiệt nếu các nhà máy sản xuất phụ tùng ở Trung Quốc không sớm hoạt động trở lại, hoặc nếu các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế.

Sự gián đoạn sản xuất cho thấy virus Corona có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng ở mọi lĩnh vực sản xuất, khi mà việc hạn chế di chuyển đi lại gây ảnh hưởng đến việc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại nhiều nơi ở Trung Quốc, trong đó đáng kể là Vũ Hán.

Các chuyên gia phân tích đánh giá tác động do virus Corona lên doanh số ô tô bán ra, các phụ kiện ô tô do Trung Quốc sản xuất và cung cấp sẽ lớn hơn nhiều so với tác động của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, do Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, hiện đã trở thành trung tâm sản xuất lớn hơn rất nhiều so với trước đây cho ngành công nghiệp tự động hóa trong đó bao gồm các linh kiện điện tử.

Các nhà phân tích làm việc tại Nomura nhận xét việc hạn chế di chuyển và một số biện pháp khác đã làm tăng rủi ro đối với các chuỗi cung ứng, tiềm năng nguy cơ đình trệ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện thiết bị ô tô, và những tác động dây chuyền lên hoạt động sản xuất các nơi khác.

Theo viện nghiên cứu Bernstein, doanh thu tại các cơ sở sản xuất của các hãng xe của Đức Volkswagen và BMW tại Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm ít nhất 5% trong 6 tháng đầu năm 2020. Volkswagen được cho là sẽ chịu nhiều thiệt hại do nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này có 24 nhà máy sản xuất ô tô hoặc phụ tùng ô tô tại Trung Quốc, chiếm 40% sản lượng.

Báo chí Hàn Quốc ngày 8/2 đưa tin nhiều doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô của nước này đã phải tạm ngừng sản xuất do thiếu nguồn cung hệ thống dây dẫn điện trong xe ô tô. Hệ thống này được lắp đặt ở sàn ô tô ngay từ giai đoạn lắp ráp ban đầu.

Các doanh nghiệp không tích trữ nhiều loại phụ tùng này, vì chủng loại phụ tùng khác nhau tùy theo dòng xe, mẫu xe, nên việc quản lý rất khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp mới chỉ gặp trở ngại về nguồn cung hệ thống dây dẫn điện trong xe ô tô, nhưng nhiều ý kiến lo ngại các phụ tùng khác cũng sẽ gặp vấn đề tương tự.

Chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Thương mại và Kinh tế Công nghiệp của Hàn Quốc Lee Hang-koo cũng đưa ra nhận định những gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài hơn là dự đoán ban đầu. Ông cho rằng hãng sản xuất ô tô của Hàn Quốc có thể bắt đầu nối lại sản xuất của họ tại Hàn Quốc, nhưng điều này sẽ đẩy giá thành lên cao, khiến lợi nhuận sẽ bị sụt giảm, và doanh số ô tô bán ra có thể cũng bị sụt giảm do hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Hãng sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản cũng cho biết, họ đang xem xét có thể kéo dài thời gian tạm thời đóng cửa các hoạt động của liên doanh của họ tại Trung Quốc giống như các hãng ô tô khác như Toyota, Honda và Ford. Đối với hai nhà máy sản xuất của hãng đóng tại tỉnh Hồ Bắc, Nissan cho biết họ hy vọng có thể trở lại hoạt động sản xuất bình thường sau ngày 14/2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục