Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào thị trường ô tô Đông Nam Á và Trung Đông

05:30' - 11/02/2020
BNEWS Năm nay, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ nhắm đến việc tích cực phát triển thị trường Thái Lan, Indonesia, Singapore, Brunei, Ai Cập và Israel.
Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào thị trường ô tô Đông Nam Á và Trung Đông. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Ai Cập và Israel được coi là đầu cầu xuất khẩu một số lượng lớn xe hơi sang các nước Trung Đông và châu Âu.

Thách thức đối với các thương hiệu xe hơi Nhật Bản tại thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay sẽ là công ty Proton - liên doanh Trung Quốc-Malaysia.

Truyền thông châu Á đã lưu ý đến dự báo của Giám đốc điều hành Lee Chungrong thuộc doanh nghiệp ô tô khổng lồ đến từ Trung Quốc là Geely, công ty có những nỗ lực để thương hiệu ô tô Malaysia Proton trải qua sự tái sinh như ngày 3/2/2020.

Theo Giám đốc Lee Chongrong, được Reuters trích dẫn, công ty Geely đã mua 49,9% cổ phần của Proton vào năm 2017 và có kế hoạch tăng doanh số bán hàng trong khu vực ít nhất 4 lần trong năm nay. Năm ngoái, tổng doanh số bán ra của Geely là khoảng 1.000 xe trong khu vực ASEAN.

Một chi tiết cụ thể khác về kế hoạch mở rộng lần đầu tiên được tiết lộ đó là công ty ban đầu sẽ tập trung vào Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei.

Trong khi đó, công ty Proton của Trung Quốc - Malaysia cũng tìm cách thâm nhập Trung Đông và tăng doanh số chủ yếu ở Ai Cập, để từ đó tiến vào thị trường các quốc gia Trung Đông khác.

Nhà sản xuất ô tô này hy vọng sẽ đạt được 40% doanh số bán hàng tại thị trường nước ngoài vào năm 2027, trong đó Thái Lan và Indonesia được gọi là những thị trường quan trọng.

Theo IHS Markit, một công ty tư vấn có trụ sở tại ASEAN, trên thị trường hiện nay Toyota dẫn đầu doanh số với 30% thị phần. Honda có 13%, Mitsubishi 10%. Proton hiện đứng thứ 11 với khoảng 3%, thị phần chủ yếu ở Malaysia.

Đồng thời, nhờ hỗ trợ tài chính, công nghệ và tư vấn từ Geely, thương hiệu Proton chỉ cần 2 năm để “o ép” các đại gia Nhật Bản Honda và Toyota trên thị trường Malaysia và trở thành hãng bán xe lớn thứ hai với 16,7% - tương đương 100.000 xe vào năm 2019, sau khi có lãi lần đầu tiên sau khoảng 9 năm.

Lãnh đạo Proton tin rằng tới năm 2022, họ có thể đẩy Perodua của Daihatsu Nhật Bản ra khỏi vị thế dẫn đầu thị trường Malaysia hiện nay. Khi Geely đầu tư vào Proton năm 2017, thời hạn dự kiến để công ty chiếm vị trí đầu bảng là từ năm 2027.

Số cổ phần kiểm soát của Proton thuộc về tập đoàn DRB-HICOM của Malaysia. Trong năm đầu tiên liên doanh với Geely, nhiều mẫu xe cũ được sản xuất. Trong vòng 8 tháng sau đó, công ty chủ yếu xuất xưởng 6 mẫu xe mới, kể cả chiếc SUV X70 dựa trên mẫu Geely Boyue.

Sự trỗi dậy của Proton buộc Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, một người đam mê xe hơi, hoàn toàn từ bỏ sự phản đối ban đầu với khoản đầu tư của Geely vào Proton. Chiếc SUV X70 màu đỏ đã được bổ sung vào đội xe cá nhân của Thủ tướng. Vào tháng 1/2020, trong cuộc phỏng vấn, ông nói Proton bán ra 100.000 xe mỗi năm và có lợi nhuận nhờ quản trị tốt và công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, giá trị đồng tiền có thể là một lợi thế chính của xe hơi Trung Quốc tại thị trường Israel. Ý kiến này được đưa ra trong cuộc phỏng vấn của Sputnik với nhà khoa học chính trị và cộng đồng Israel David Sharp, một người đam mê xe hơi.

Ông chia sẻ ý kiến của tờ báo tài chính buổi chiều ra hàng ngày Globes của Israel, cho rằng Trung Quốc đang nhắm vào thị trường ô tô Israel: “Dự kiến về ‘cuộc xâm lược của Trung Quốc’ vào thị trường ô tô đang đến, hầu như tất cả các chuyên gia đều nói về điều này.

Người tiêu dùng Israel thích đồ tốt, đặc biệt là về tỷ lệ chất lượng giá cả. Và khi có một sản phẩm như vậy, ví dụ như xe tải, xe buýt hoặc một chiếc SUV, phản hồi về sản phẩm mới nhanh chóng lan rộng. Sự xuất hiện của các sản phẩm như vậy trên thị trường luôn gây ra sự phấn khích.

Phân khúc xe giá rẻ tại Israel rất quan trọng, vì bản thân xe hơi giá đắt do thuế cao. Ở Israel, người tiêu dùng đại chúng rất thích và đang chờ đợi những chiếc xe giá rẻ. Do đó, Trung Quốc có cơ hội chiếm một lợi thế về giá cả nếu những chiếc xe của họ tương đối rẻ tiền, và đồng thời có chất lượng kỹ thuật tốt, cơ hội thành công là rất lớn”.

Chuyên gia này tin rằng thị trường xe hơi, xe tải, xe buýt và các loại xe chuyên dụng khác có thể được Trung Quốc quan tâm. Đồng thời, ông cho rằng việc tạo dựng danh tiếng tại Israel sẽ có ích ở các quốc gia khác, ví dụ như bán tốt ở Israel thì có thể tiêu thụ tốt ở Đức.

Danh tiếng như vậy hoạt động trong thị trường vũ khí - nếu Israel bán hoặc mua một loại vũ khí nào đó, thì bạn có thể yên tâm mua sản phẩm, David Sharp nói.

Tờ báo Globes cho biết, một trong những mối quan tâm của Trung Quốc tới thị trường Israel ở chỗ rất lý tưởng cho việc tiếp thị trước. Người mua xe hơi ở Israel được coi là tương đối kỹ tính, với thiên hướng rõ ràng của phương Tây, cho phép những nhà sản xuất mới thử sức tại đây các sản phẩm dành cho châu Âu, theo bài báo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục