Dịch do virus Corona: Nông sản vượt rào cản dịch

17:51' - 07/02/2020
BNEWS Trước diễn biến của dịch viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của Virus Corona (nCoV) gây ra, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng chịu tác động lớn.

Theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, đây là rào cản nhưng cũng chính là cơ hội để các ngành hàng xuất khẩu chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh. Các ngành hàng đa phần đã có sự chuẩn bị để thích ứng với biến động này.

* Trong cái rủi có cái may

Trong 3 năm gần đây, bằng những điều chỉnh về chính sách nhập khẩu chính ngạch, thị trường Trung Quốc trở thành thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các loại nông sản; trong đó, có nông sản đến từ Việt Nam.

Công ty TNHH Tài Phước (Bình Định) mỗi năm sản xuất và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Quốc đạt doanh thu hơn 5 triệu USD. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, thị trường Trung Quốc nhập khẩu gỗ dăm của Việt Nam với số lượng rất lớn, hơn 6,1 triệu tấn gỗ dăm, tương đương hơn 12 triệu m3 gỗ quy tròn, chiếm gần 70% tổng lượng gỗ dăm nhập khẩu của Trung Quốc mỗi năm.

Đợt dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra làm cho hoạt động giao thương của Trung Quốc đình trệ, các đơn hàng nhập khẩu gỗ dăm từ Việt Nam cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội cho ngành gỗ chuyển hướng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ, bởi sản phẩm gỗ dăm mang lại giá trị không cao, không giúp phát triển rừng bền vững như đã đề ra.

Trong khi đó, nếu không sản xuất gỗ dăm, nguồn nguyên liệu sẽ được chuyển sang cung cấp cho sản xuất ván nhân tạo (MDF) tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Nhìn thấy lợi thế này, trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng. Đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.

Để kịp thời chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị cho ngành gỗ trong giai đoạn ứng phó với bệnh dịch nCoV gây ra, ông Quyền đề xuất, Nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu sản phẩm dăm, viên nén… để họ sớm hoàn thiện dây chuyền sản xuất, bắt kịp cơ hội.

Các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng có động thái chuyển đổi loại hình sản phẩm chế biến và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, diễn biến dịch viêm phổi cấp làm cho xuất khẩu cá ngừ của Trung Quốc bị ngưng trệ. Các quốc gia nhập khẩu cá ngừ của Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu nguồn cá từ quốc gia này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tiếp cận và mở rộng thêm đối tượng khách hàng nhập khẩu cá ngừ.

Thêm vào đó, người tiêu dùng thế giới sẽ chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp thay cho các sản phẩm tươi như trước đây. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm thủy sản có thể mở rộng dòng sản phẩm này trong các cuộc giao dịch đặt hàng. Đây là lợi thế mạnh hơn về chế biến so với các dòng sản phẩm chế biến sâu khác.

* Ổn định sản xuất để tiêu thụ trong nước

Cùng với các chiến lược và kế hoạch sản xuất, xuất khẩu ứng phó với tình hình dịch bệnh nCoV, các kế hoạch sản xuất nông sản trong nước cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh hợp lý.

Tình hình xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn.

Thanh long và dưa hấu được xuất khẩu sang thị trường này là chủ yếu nên 2 sản phẩm đã trở thành "điểm yếu" của xuất khẩu nông sản Việt. Do đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp và người dân cần quyết tâm, đoàn kết trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Sản phẩm thanh long tại Long An và Tiền Giang, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Với 150 cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn; trong đó hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến; đồng thời, các cơ sở đưa ra giải pháp để tiêu thụ ổn định khoảng 30.000 tấn/tháng.

Cùng với sự điều chỉnh sản xuất thanh long, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, BigC… cũng cần vào cuộc tích cực.

Mặt hàng thanh long dễ "tổn thương", chưa đi qua biên giới được thì cần chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, nông dân các địa phương hạn chế xuống giống, nên chuyển qua cây trồng khác như đậu tương, ngô, rau… - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ngoài thanh long, dưa hấu thì cá tra cũng là một trong những sản phẩm chịu tác động mạnh từ thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 70% cá tra nguyên liệu của Việt Nam được thị trường Trung Quốc thu mua để chế biến, xuất khẩu. Hiện cá tra đang chịu tác động và phải tìm hướng tiêu thụ tại các thị trường khác và nội địa.

Thế nhưng, tại thị trường nội địa, sản phẩm cá tra lại ít được lựa chọn. Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May chia sẻ, chính người tiêu dùng Việt chưa có thói quen lựa chọn sản phẩm cá tra đã qua sơ chế. Hầu như người tiêu dùng chỉ lựa chọn sản phẩm cá tra nguyên con để phục vụ cho bữa ăn gia đình. Vì vậy, cá tra gặp khó ngay tại thị trường nội địa.

Để cải thiện tình trạng này, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cá tra tại thị trường trong nước, giúp người dân đón nhận sản phầm này và tăng thị phần ngày trong nội địa.

Các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn cần đưa cá tra lên bàn ăn của người dân, du khách bằng cách đa dạng phương thức chế biến, quảng bá, tạo ấn tượng… 

Có như vậy, sản phẩm cá tra mới có thể đứng được trên sân nhà trong thời điểm ứng phó với dịch bệnh nCoV…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục