Dịch do virus Corona: Tìm giải pháp tiêu thụ trái cây

18:04' - 05/02/2020
BNEWS Hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, nhất là mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu đang vào chính vụ chịu ảnh hưởng do virus Corona.

Thu hoạch thanh long trái vụ tại gia đình anh Phạm Quang Trượng, ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Đây cũng là các mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản nên rất cần có sự vào cuộc chung tay tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.

Đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán, qua rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn.

Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 sẽ thu hoạch khoảng 54.000 tấn thanh long. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn. Hầu hết các sản phẩm trái cây trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tại Bình Thuận, ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra với các mặt hàng nông sản là thanh long bởi 90% sản lượng trái được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức mậu biên. Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có diện tích 30.000 ha thanh long, từ nay đến cuối tháng 2/2020 sẽ có khoảng 100.000 tấn thanh long trái vụ cho thu hoạch.

Tuy nhiên, sức mua tại các nhà vườn giảm mạnh khi Trung Quốc ngừng thông quan hàng hóa từ 31/1 (mùng 7 tháng Giêng) đến 8/2 (15 tháng Giêng). Một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đã ngừng thu mua. Giá mua tại nhà vườn chỉ dao dộng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, có nơi rất thấp. 

Mặc dù ngày 3/2, cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã mở cửa nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn của Bình Thuận do không có hợp đồng tiêu thụ, sức mua bên Trung Quốc giảm vì các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa. Tính đến ngày 4/2, Bình Thuận có khoảng 150 xe container (khoảng 3.000 tấn) của doanh nghiệp tỉnh chở thanh long xuất sang Trung Quốc đang chờ thông quan. Thời gian tới, nếu các cửa khẩu ngừng nhập hàng kéo dài thì các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và người trồng thanh long sẽ rất khó khăn.

Tại Long An, việc tiêu thụ thanh long cũng khó khăn tương tự. Hơn 10 năm trong nghề mua bán thanh long, chị Lê Thị Mỹ Tuyên, xã An Lục Long, huyện Châu Thành cho biết, đây là lần đầu tiên gặp phải tình trạng này. Trước đó, chị đăng ký kho với giá 35.000 – 45.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 1, loại 2 thì hiện nay, mức giá này lao dốc chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lựu, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành có 250 gốc thanh long trồng phương pháp xông đèn, sản lượng ước tính khoảng 2,5 tấn, thương lái đã đặt cọc 20 triệu đồng, với giá loại 1 khoảng 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên thương lái thông báo lại không mua, chỉ hỗ trợ 5.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư từ lúc xông đèn cho đến khi thu hoạch mỗi kg thanh long ruột đỏ hơn 10.000 đồng.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều vựa thanh long trên địa bàn 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc – địa phương trồng thanh long lớn nhất của tỉnh đã không thu mua thanh long hoặc mua với giá rất thấp do đối tác nhập khẩu Trung Quốc từ chối nhận đơn hàng. Hiện giá bán thanh long ruột đỏ chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng nhiều vườn không có người đến thu mua.

Về mặt hàng dưa hấu, theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích trồng dưa hấu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên vụ Đông xuân 2019 - 2020 khoảng 11.700 ha, diện tích đã thu hoạch trên 7.000 ha; trong đó hơn 6.500 ha thu hoạch bán Tết giá bán bình quân từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, diện tích đang thu hoạch hơn 600 ha, giá bán từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Hiện tại, các địa phương ở khu vực trên có khoảng hơn 3.000 ha dưa hấu đang ở giai đoạn sinh trưởng thân lá, diện tích này chủ yếu ở các tỉnh miền Nam sẽ cho thu hoạch trong tháng 3 và tháng 4.

Không chỉ thanh long, dưa hấu, một số mặt hàng nông sản khác cũng đã bắt đầu chịu sự tác động. Tại huyện Châu Đức, nơi có gần 350 ha mít Thái trong tổng số gần 550 ha của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang gặp khó khăn về đầu ra khi thương lái chỉ thu mua từ 4.000 - 7.000 đồng/kg trong khi trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 giá cao từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân cũng do thương lái Trung Quốc ngừng mua hàng.

 Nông dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành thu hoạch mít bán cho thương lái. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Trước thực trạng khó khăn này, đại diện các địa phương có các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng này. Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát lại sản lượng thanh long đang lưu trong các kho lạnh của doanh nghiệp và sản lượng trái trên cây. Từ đó, Sở đưa ra sản lượng cần tiêu thụ hàng ngày đến hết quý 1 để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hợp lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân phải điều chỉnh lại sản xuất phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể, những vườn đang nuôi trái cần tập trung chăm sóc, tỉa bớt tối đa nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi quả và hạn chế chi phí đầu tư, kéo dài thời gian thu hoạch.

Về lâu dài, tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân liên kết thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản đảm bảo an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tăng sản lượng xuất khẩu bằng chính ngạch.

Về tiêu thụ trước mắt, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Công Thương phải xây dựng phương án hỗ trợ, tiêu thụ thanh long của tỉnh, chậm nhất tới ngày 7/2 phải báo cáo cụ thể UBND tỉnh, đồng thời, có văn bản gửi đi các tập đoàn bán lẻ lớn ở trong nước và có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị các tập đoàn kinh tế lớn, đơn vị sản xuất, chế biến lớn có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Ông Lê Tuấn Phong cũng đề nghị Sở Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Thanh long, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp vận động các doanh nghiệp, đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để bày bán và đẩy mạnh tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ thanh long tại 16 thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng như làm việc với các doanh nghiệp đang có xe thanh long chờ thông quan tại cửa khẩu  biết tình hình và có phương án giải quyết tiêu thụ ở tại thị trường phía Bắc.

Tại tỉnh Long An, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, Sở chủ trì phối hợp Hiệp hội thanh long tỉnh và một số doanh nghiệp kịp thời tìm phương án tiêu thụ thanh long, đặc biệt là hàng tồn trong thời điểm hiện tại. Sở Công Thương cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung.

Về lâu dài, tỉnh Long An tăng cường tuyên truyền đến người dân thay đổi tập quán kinh doanh, tham gia các hợp đồng tiêu thụ ổn định; qua đó, góp phần giúp các bên liên quan hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có diễn biến bất thường, tránh tình trạng phải giải cứu nông sản vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Trước tình hình giá mít rớt xuống thấp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rìa – Vũng Tàu khuyến cáo người trồng mít cần giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại, không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn không chăm sóc, hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài. Các địa phương, nhất là các vựa trái cây, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc kết nối chuỗi phân phối trong nước.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại.

Trước tình hình trên, chiều 5/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có điện trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu. Bắt đầu từ 14h 5/2, số xe nông sản ùn ứ đã bắt đầu được giải quyết thông quan (chỉ số xe đang ùn ứ).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã điện trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh đang có diện tích thanh long lớn như: Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Theo đó, một số nhà máy chế biến đang thu mua thanh long với giá phù hợp; cụ thể LaviFood thu mua với giá 12.000/kg để cắt nhỏ, đóng gói vận chuyển đường biển…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tổng rà soát tình hình sản xuất các nông sản, đặc biệt là các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới để đưa ra các kịch bản ứng phó gắn với các diễn biến tình hình. Có thể một số đối tượng sản xuất nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi sang cây trồng khác như dưa hấu. Đây là cơ hội tạo áp lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sâu hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp cũng cần tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.  Người dân cũng cần đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu./.

>>> Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục