Diêm dân Khánh Hòa "chìm" trong thua lỗ

09:00' - 08/09/2017
BNEWS Nhiều hộ sản xuất muối ở Khánh Hòa đã kết thúc vụ muối năm 2017, do thời tiết không thuận lợi kéo dài khiến việc làm muối bị thua lỗ.
Diêm dân Khánh Hòa "chìm" trong thua lỗ. Ảnh minh họa: TTXVN
Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Thủy, thị xã Ninh Hoa có trên 15 ha ruộng sản xuất muối trên bạt. Đến đầu tháng 9/2017, đơn vị này vẫn chưa làm được mẻ muối nào để bán, do có mưa liên tục làm cho độ mặn trong nước biển giảm nên không thể làm muối.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất muối Ninh Thủy, vụ muối năm nay đã bị “mất trắng” và còn lỗ hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, mùa mưa đã bắt đầu nên vụ muối năm 2017 cũng kết thúc.

Thời gian qua, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất muối theo công nghệ cao mới duy trì được việc làm muối. Trong khi đó diêm dân lại rất khó áp dụng kỹ thuật này do cần nhiều vốn đầu tư.

Ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, bà con diêm dân rất mong cải thiện cơ sở hạ tầng cho đồng muối, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm muối và giảm phụ thuộc vào thời tiết. Tỉnh đã có chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng cho đồng muối nhưng việc triển khai còn chậm do thiếu vốn đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã sản xuất được trên 12.000 tấn muối, chỉ bằng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó sản lượng muối của các doanh nghiệp là hơn 11.000 tấn, còn lại là của diêm dân. Giá muối sản xuất trên bạt đã tăng lên mức 1.600 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái gần 1.000 đồng/kg và cao nhất trong nhiều năm qua, nhưng diêm dân không có muối để bán.

Tháng 3/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, giai đoạn 2017 - 2020; trong đó, tỉnh hỗ trợ diêm dân, hợp tác xã 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt; định mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha; hạn mức vay tối đa đối với cá nhân không quá 250 triệu đồng, đối với hợp tác xã không quá 500 triệu đồng; thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa 2 năm tính từ ngày giải ngân vốn.

Tuy nhiên diêm dân không mặn mà với chính sách hỗ trợ này, do vốn đầu tư làm muối công nghệ cao rất lớn, trong khi nghề này phụ thuộc vào thời tiết và giá cũng bấp bênh.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có 975 ha ruộng sản xuất muối; trong đó thị xã Ninh Hòa có gần 800 ha, tập trung ở các phường: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy và xã Ninh Thọ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục