Điềm lành cho kinh tế Eurozone

14:30' - 13/02/2024
BNEWS Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của HCOB, do S&P Global thu thập, được coi là thước đo về “sức khỏe” tổng thể của nền kinh tế, đã tăng lên 47,9 trong tháng 1 từ mức 47,6 của tháng 12/2023.

Theo kết quả khảo sát, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), do S&P Global thu thập và được coi là thước đo về “sức khỏe” tổng thể của nền kinh tế, đã tăng lên 47,9 trong tháng Một vừa qua từ mức 47,6 của tháng 12/2023 theo như ước tính sơ bộ trước đó.

Khách hàng lựa chọn mua hàng hoá trong siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

 

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 nhưng vẫn dưới 50 – ngưỡng để phân biệt giữa tăng trưởng và giảm sút. Tuy nhiên, cả chi phí đầu vào và đầu ra trong tháng trước cũng tăng nhanh hơn. Chỉ số giá đầu ra cũng tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua, lên 54,2.

Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia tại HCOB cho rằng: “Sự do dự của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc cắt giảm lãi suất trở nên rõ ràng hơn khi xem xét sự gia tăng của các chỉ số giá PMI”. Theo chuyên gia này, với việc cả giá đầu vào và đầu ra trong lĩnh vực dịch vụ đều tăng, ECB sẽ chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ số PMI cho lĩnh vực dịch vụ của Eurozone trong tháng 1 vừa qua đã giảm xuống 48,4 từ mức 48,8 trong tháng 12/2023 theo như ước tính sơ bộ. Cuối tháng trước, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% và tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả.

Tăng trưởng của Eurozone đã dao động ở mức 0 trong hầu hết năm 2023. Diễn biến này đã giúp hạ nhiệt lạm phát, vốn đã vượt quá mục tiêu của ECB trong nhiều năm và buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục trong giai đoạn trước.

Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết các chỉ số suy yếu cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế trong tháng 12/2023 và xác nhận khả năng xảy ra suy thoái kỹ thuật vào nửa cuối năm 2023. Điều này cũng khiến triển vọng kém sáng hơn trong thời gian tới.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông nói thêm các số liệu kinh tế sắp tới cho thấy tương lai vẫn chưa chắc chắn và triển vọng của Eurozone nghiêng về phía suy yếu. Nhiều khả năng tình hình kinh tế yếu kém sẽ lan ra trên diện rộng, với hoạt động xây dựng và sản xuất bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề và nhóm dịch vụ có thể sẽ tiếp bước tương tự trong những tháng tới.

Các nhà dự báo chỉ ra rằng tuy lạm phát giảm nhanh trong hầu hết năm 2023, song đã tăng trở lại mức 2,9% vào tháng 12/2023. Điều này chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật và có thể duy trì quanh mức này trong một thời gian. Về phần mình, ông de Guindos cho biết các biện pháp bù đắp cho chi phí năng lượng sắp hết hiệu lực tại Eurozone đã dẫn đến lạm phát tạm thời tăng lên trong cuối năm 2023.

ECB ngày 25/1 công bố quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục 4%, đồng thời tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Đây là lần thứ ba liên tiếp, ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả.

Tuyên bố của ECB khẳng định: "Các quyết định về lãi suất của Hội đồng thống đốc ECB dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo triển vọng tích cực của dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ".

ECB kỳ vọng chi tiêu của chính phủ và các hộ gia đình sẽ thúc đẩy phục hồi, nhưng dữ liệu cho thấy một bức tranh u ám hơn, với sản xuất vẫn trong tình trạng suy thoái và dịch vụ giảm nhiệt.

Eurozone có thể đã rơi vào suy thoái trong quý trước và khởi đầu chậm chạp vào tháng Một, khiến quý hiện tại là quý thứ 6 liên tiếp với tăng trưởng gần như bằng 0 hoặc âm.

Lạm phát của Eurozone đang giảm đều đặn, mặc dù tăng lên 2,9% trong tháng 12/2023 từ mức 2,4% của tháng 11/2023. Tỷ lệ lạm phát tăng trong tháng cuối năm vừa qua chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật như hết trợ cấp của chính phủ và giá năng lượng thấp vượt quá số liệu cơ bản dùng để tính tỷ lệ lạm phát.

Tháng 10/2023, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 7/2022 để đối phó với lạm phát đỉnh 10,6%. ECB cho rằng việc thảo luận về đảo ngược lãi suất hiện là quá sớm, vì áp lực giá cả vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn và nhiều cuộc đàm phán về tiền lương vẫn chưa kết thúc. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết dữ liệu về các thỏa thuận tiền lương sẽ có trong cuộc họp tháng Sáu và việc điều chỉnh lãi suất vội vàng sẽ có rủi ro cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục