Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 trên thế giới chiều 8/4
Tại Nga: Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết, tính đến nay, Nga ghi nhận 8.672 trường hợp mắc COVID-19 và 63 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 1 ngày qua được ghi nhận ở thủ đô Moskva, với 660 trường hợp, tiếp đến là tỉnh Moskva, với 95 trường hợp.
Tại Pháp: Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết tàu sân bay Charles de Gaulle - hiện đang được triển khai trên Đại Tây Dương, sẽ về nước sớm hơn dự định sau khi một số thủy thủ trên tàu xuất hiện triệu chứng của COVID-19.
Theo bộ trên, khoảng 40 thủy thủ trên tàu đang được theo dõi y tế nghiêm ngặt và những người có triệu chứng giống COVID-19 đã được cách ly. Không có thủy thủ nào có dấu hiệu bị nặng.
Tàu sân bay Charles de Gaulle, có thể chở tới 2.000 thủy thủ, đã được điều đến Đại Tây Dương để tham gia diễn tập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại Séc: Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Séc cho biết đã ghi nhận thêm 195 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này vượt qua 5.000. Như vậy, tổng cộng đã có 5.033 trường hợp mắc COVID-19 và 91 ca tử vong tại Séc.
Tuy nhiên, theo giới chức Séc, số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đang chậm lại. Ngày 4/4, chính phủ nước này đã nhất trí nới lỏng một số biện pháp, như cho phép các cửa hàng bán vật liệu xây dựng mở cửa trở lại, nới lỏng các quy định hoạt động thể thao ngoài trời đối với các môn không cần tập trung đông người như chạy bộ và đạp xe.
Séc là một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng Ba. Ngày 7/4, quốc hội nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 30/4, theo đó, cho phép áp dụng các biện pháp mạnh mẽ khống chế dịch bệnh COVID-19 lây lan, trong đó có đóng cửa trường học và hạn chế người dân đi lại.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn lây lan mạnh, Thị trưởng London Sadiq Khan khẳng định chưa có địa phương nào của Anh tiến tới dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Theo ông, khoảng 1 tuần nữa, dịch COVID-19 ở nước Anh mới lên đến đỉnh điểm. Theo số liệu thống kê của worldometers.info, tính đến nay, Anh đã ghi nhận 55.242 ca mắc COVID-19 và 6.159 trường hợp tử vong.
Tại Đức: Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, hãng hàng không Đức Lufthansa thông báo đóng cửa công ty con Germanwings, đồng thời sẽ thu hẹp đội bay của một số công ty khác.
Thông báo ngày 7/4 của Lufthansa nêu rõ trước những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, hãng sẽ chấm dứt hoạt động của công ty con Germanwings do sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới có thể dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại toàn cầu và cũng phải mất nhiều năm nữa nhu cầu đi lại bằng đường hàng không mới trở lại thời điểm như trước cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo thông báo, ngoài đình chỉ hoạt động của Germanwings, Lufthansa sẽ đình chỉ bay với gần 30 máy bay của các công ty con khác, trong đó có 6 máy bay A380, 7 máy bay A340-600 và 5 máy bay Boeing 747-400.
Ngoài ra, 11 máy bay Airbus A320 khai thác chặng ngắn cũng sẽ ngừng hoạt động. Trong khi đó, hãng Eurowings cũng sẽ giảm hoạt động đối với số máy bay hiện có.
Hiện ngành hàng không thế giới đang lo ngại nguy cơ mất 25 triệu việc làm do khủng hoảng và kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hàng không.
Trong số này có 11,2 triệu lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và 5,6 triệu việc làm ở châu Âu.
Tại Iran: Truyền thông nhà nước Iran ngày 8/4 đưa tin số bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên tới hơn 4.000 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 121, đưa tổng số người tử vong lên 4.003.
Cũng trong khoảng thời gian trên, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 1.997 ca mắc COVID-19 mới.
Như vậy, tính tới nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Iran là 67.286, trong đó có 3.956 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn lây lan nhanh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố một số công ty sẽ tiếp tục phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Tuy nhiên, những công ty nào mà hoạt động của nó không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 11/4.
Cùng ngày, Tổng thống Rouhani đã hối thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản tín dụng khẩn cấp, trị giá 5 tỷ USD cho nước này để đối phó với dịch COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp nội các, Tổng thống Rouhani đã thúc giục các tổ chức quốc tế thực hiện các trách nhiệm của mình.
Theo ông, Iran là một thành viên của IMF và không nên có sự phân biệt đối xử nào trong việc cho vay. Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ vi phạm các hiệp ước y tế quốc tế, coi đây là "sự khủng bố về y tế và kinh tế".
Ngày 12/3 vừa qua, Iran thông báo đã đề nghị IMF cho nước này vay 5 tỷ USD từ Sáng kiến Tài chính nhanh - một chương trình hỗ trợ khẩn cấp các nước đối phó với những cú sốc bất ngờ như thảm họa tự nhiên, nhằm giúp nước này có thêm nguồn lực đối phó với đại dịch COVID-19.
Đây là lần đầu tiên Iran đề nghị IMF hỗ trợ kể từ năm 1979. Một quan chức IMF cho biết hiện thể chế tài chính này đang thảo luận với Iran nhằm hiểu rõ nhu cầu của quốc gia Trung Đông này cũng như những điều kiện để thúc đẩy khoản tín dụng.
Tại Tây Ban Nha: Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo dù tỷ lệ tử vong theo ngày có giảm nhẹ, song trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 757 người tử vong do mắc COVID-19.
Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 14.555 người tử vong do mắc COVID-19. Tỷ lên tử vong theo ngày hiện là 5,5%, giảm 0,2% so với một ngày trước đó. Số ca mắc COVID-19 mới tại Tây Ban Nha cũng tăng thêm 146.690, đưa tổng số người mắc bệnh 140.510.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu Hans Kluge (Han Clu-giơ) khẳng định dịch COVID-19 tại châu Âu "rất đáng quan ngại", đồng thời hối thúc các chính phủ "cần cân nhắc rất thận trọng" trước khi nới lỏng các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, cố vấn cấp cao Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward (Bru-xơ A-in-uốt) - người vừa có chuyến công tác tới Tây Ban Nha, cho rằng hiện quá sớm để lạc quan, nhưng dịch COVID-19 tại đây chắc chắn đang "giảm dần"./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Dịch COVID-19: EU chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch cứu trợ
16:36' - 08/04/2020
Sau 16 giờ thảo luận căng thẳng xuyên đêm, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU vẫn không thể tìm được tiếng nói chung với kế hoạch cứu trợ trong giai đoạn dịch COVID-19.
-
Kinh tế Thế giới
Dịch COVID-19: Mỹ dự phòng thêm 110.000 máy thở trong vài tuần tới
13:52' - 08/04/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang đã có 8.675 máy thở trong kho dự trữ vật tư y tế quốc gia và dự phòng thêm 110.000 máy để sẵn sàng cho dịchCOVID-19 tăng đột biến.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc "tung" thêm gói cứu trợ kinh tế 44 tỷ USD chống COVID-19
11:37' - 08/04/2020
Hàn Quốc đã phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế trị giá 57.300 tỷ won (44 tỷ USD) nhằm phục hồi xuất khẩu và đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước giữa thời kỳ dịch COVID-19 hiện nay.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Nhiên liệu hóa thạch vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng nhiều năm tới
10:34'
Nhiên liệu hóa thạch có khả năng vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các giải pháp thay thế vẫn còn hạn chế.
-
Kinh tế Thế giới
Đàm phán thương mại Anh-Mỹ bế tắc
10:29'
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đã “ra về tay trắng” sau khi phía Mỹ đưa ra yêu cầu mới về việc giảm thuế đối với ô tô Mỹ nhập khẩu vào Anh.
-
Kinh tế Thế giới
Nước Mỹ trước nguy cơ thiếu hụt hàng hóa
09:50'
Các nhà bán lẻ Mỹ đang cảnh báo rằng người tiêu dùng nước này có thể một lần nữa phải đối mặt với tình trạng kệ hàng trống rỗng và chuỗi cung ứng hỗn loạn.
-
Kinh tế Thế giới
Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc
08:55'
Sách trắng được AmCham China công bố hôm 25/4 đã liệt kê căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc thận trọng trước bất ổn địa chính trị
08:12'
Một xu hướng đáng lo ngại đã xuất hiện khi tỷ lệ doanh nghiệp coi Trung Quốc là điểm đến đầu tư chính giảm 6 điểm phần trăm so với năm 2023.
-
Kinh tế Thế giới
Bloomberg: Trung Quốc cân nhắc dừng áp thuế 125% đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ
18:27' - 25/04/2025
Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc tạm dừng áp mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Công suất điện gió, điện Mặt Trời của Trung Quốc lần đầu vượt nhiệt điện
18:11' - 25/04/2025
Công suất lắp đặt năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời của nước này lần đầu tiên vượt tổng công suất nhiệt điện vốn được chuyển hóa chủ yếu từ nguồn than đá.
-
Kinh tế Thế giới
Tốc độ lạm phát ở thủ đô Tokyo đã tăng nhanh hơn
15:47' - 25/04/2025
Ngày 25/4, Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố dữ liệu cho thấy tốc độ lạm phát ở thủ đô Tokyo đã tăng nhanh hơn so với tháng trước, đạt mức nhanh nhất trong hai năm qua.
-
Kinh tế Thế giới
Không chỉ Thủ tướng Ishiba, mà là Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến
15:31' - 25/04/2025
Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, bà Obuchi Yuko cho biết, không phải chỉ là Thủ tướng Ishiba chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên, mà là Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến.