Điện lực Hà Tĩnh vẫn gặp khó trong cung ứng điện mùa mưa bão

08:06' - 31/08/2023
BNEWS Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, cùng đó, hệ thống lưới điện của Hà Tĩnh trải dài qua nhiều dạng địa hình phức tạp, phần lớn đi qua khu vực đồi núi, đèo dốc...

Những năm qua, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) - thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện, không ngừng đẩy mạnh đầu tư xây dựng, quản lý kỹ thuật vận hành, tăng cường hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện... Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với ngành điện Hà Tĩnh trong việc đảm bảo cung ứng điện vẫn còn hiện hữu.

PC Hà Tĩnh hiện đang quản lý vận hành gần 247 km đường dây cao áp 110 kV, hơn 3.507 km đường dây trung thế 10, 22, 35 (kV), gần 7.557 km đường dây hạ thế 0,4 kV; với 3.931 trạm biến áp phân phối, 5 trạm biến áp trung gian và 12 trạm 110 kV. Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, cùng đó, hệ thống lưới điện của Hà Tĩnh trải dài qua nhiều dạng địa hình phức tạp, phần lớn đi qua khu vực đồi núi, đèo dốc và bị chia cắt bởi nhiều sông suối, vực sâu. Do vậy, trở ngại lớn nhất trong quản lý vận hành của PC Hà Tĩnh chính là địa hình và thời tiết.

 

Hàng năm, trước mùa mưa bão, Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra tổng thể hệ thống lưới điện, qua đó phân loại, thống kê những tồn tại, khiếm khuyết để có giải pháp khắc phục, củng cố kịp thời; luôn theo dõi, bám sát các tình huống, đánh giá đúng hiện trạng thực tế, đặc điểm khu vực các tuyến đường dây, vị trí xung yếu để lập phương án xử lý.

Đồng thời, tổ chức diễn tập nhằm chủ động ứng phó và chuẩn bị kỹ lưỡng phương án khắc phục thiệt hại sau thiên tai… Đối với bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty đã xử lý được 1.310 khoảng cột có cây ngoài hành lang, gửi văn bản tuyên truyền, khuyến cáo đến 726 chủ sở hữu cây để vận động phối hợp chặt tỉa…

Mặc dù vậy, nhiều địa bàn miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh…, việc quản lý, vận hành hệ thống điện gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Phạm Lương Trung, Giám đốc Điện lực Hương Khê cho biết: “Đối với địa bàn miền núi như huyện Hương Khê, mùa này thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… gây ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng lưới điện. Khi có mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, việc nắm bắt thông tin để tạm thời ngừng cấp điện tại những vùng có nguy cơ ngập lụt cần phải được tiến hành gấp rút, kịp thời. Hơn thế nữa, tại các vùng sâu trũng, lũ dâng cao sẽ gây ra sự cố nước ngập hệ thống đo đếm, vì vậy, ngay sau khi nước rút, đơn vị phải huy động tối đa lực lượng để tiến hành kiểm tra, sửa chữa, thay thế… Với địa hình phức tạp, việc tiếp cận địa bàn và di chuyển phương tiện, vật tư, thiết bị trong những thời điểm đó cũng là một vấn đề không hề dễ dàng”.

Cùng đó, hiện tượng giông sét cũng là một hiểm họa thiên tai vô cùng nguy hiểm đối với lưới điện, đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố, làm gián đoạn cung cấp điện. Ông Nguyễn Hồng Tân - Giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết, hầu hết các công trình điện gồm đường dây và trạm biến áp đều được xây dựng ngoài trời, kết cấu chủ yếu là kim loại và bố trí cao nên dễ gây ra sự cố bất khả kháng do sét đánh làm vỡ sứ, đứt dây… đồng thời lan truyền vào trạm biến áp gây cháy hỏng các thiết bị, làm gián đoạn cung cấp điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân.

"Vì vậy, để hạn chế những thiệt hại do sét gây ra, điện lực luôn phải tự tìm ra các giải pháp để khắc phục, ví dụ như bổ sung chống sét trên đường dây trung thế tại những vị trí có mật độ sét cao, kiểm tra rà soát lại trị số tiếp địa ở các trạm biến áp, tăng cường thêm các bộ tiếp địa ở những nơi không đạt yêu cầu…”, ông Nguyễn Hồng Tân nói.

Một khó khăn nữa đặt ra đối với việc cung ứng điện trong mùa mưa bão đó là đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Đây cũng là điều mà ông Hà Minh Đông - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh trăn trở, quan ngại.

Ông Đông cho biết, Hà Tĩnh là địa phương phát triển mạnh về kinh tế đồi rừng nên nguy cơ xảy ra các sự cố do cây nằm ngoài hành lang bị gãy đỗ, va quệt vào đường dây là điều rất dễ xảy ra khi có mưa bão, giông lốc. Để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm 2023, Đội đã thường xuyên kiểm tra, rà soát hành lang lưới điện cao áp nhằm kịp thời phát hiện các tồn tại để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện; tiến hành cắm biển cảnh báo an toàn, thông báo đến người dân các vị trí vi phạm hành lang để phòng tránh tai nạn điện...

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Nhiệm, Trưởng Phòng An toàn PC Hà Tĩnh, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ngoài sự nỗ lực của ngành điện rất cần sự quan tâm, vào cuộc của ngành chức năng và các cấp chính quyền. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 1793/QĐ-UBND ngày 03/8/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển điện lực, bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Đây là tiền đề, cơ sở để huy động chính quyền địa phương và các sở ban ngành vào cuộc trong công tác bảo vệ hành lang lưới điện và an toàn điện trên địa bàn tỉnh.

Mùa mưa bão đang đến gần, với những khó khăn trở ngại kể trên, ngành điện Hà Tĩnh sẽ nỗ lực khắc phục, quyết tâm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh ngày càng tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục