Đình chiến “giai đoạn 1”: Bước tiến quan trọng trong thương chiến Mỹ - Trung?

05:30' - 15/10/2019
BNEWS Phía Mỹ chỉ thông báo đình chiến “giai đoạn 1”, trong đó Washington và Bắc Kinh đồng ý trên các lĩnh vực nông nghiệp, tỷ giá hối đoái và một số khía cạnh liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11/10, với việc chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10 tới, và đổi lại Bắc Kinh đồng ý mua thêm khoảng 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận ngưng chiến trong cuộc chiến thương mại kéo dài 15 tháng.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố thỏa thuận “đình chiến” trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Washington. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản chính thức nào được ký kết.

Chính quyền Washington thận trọng nhấn mạnh rằng thỏa thuận một phần này còn phải được soạn thảo thành văn bản và đôi bên sẽ “đi sâu vào chi tiết” trước khi chính thức được nguyên thủ hai nước thông qua trong một vài tuần lễ sắp tới.

Trước mắt, phía Mỹ chỉ thông báo đình chiến “giai đoạn 1”, trong đó Washington và Bắc Kinh đồng ý trên các lĩnh vực nông nghiệp, tỷ giá hối đoái và một số khía cạnh liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Mỹ vẫn duy trì mức thuế 25% nhắm vào 250 tỷ USD hàng của Trung Quốc, thay vì nâng mức thuế đó lên thành 30% vào ngày 15/10 như Nhà Trắng từng đe dọa.

* Bước tiến quan trọng...           

Nhận định về diễn biến này, giới quan sát cho rằng đây là một “bước tiến quan trọng”, mở ra hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ dừng các đòn đánh thuế trả đũa lẫn nhau gây phương hại cho tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, dù mới chỉ là thỏa thuận một phần nhưng Tổng thống Donald Trump đã gọi đây là một thỏa thuận “đặc biệt”. Sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được đồng thuận, Tổng thống Mỹ đã phát biểu: “Chúng ta đang rất gần kề ngày chấm dứt chiến tranh thương mại”.

Đối với ông Donald Trump thì nông dân Mỹ - những nạn nhân đầu tiên của xung đột thương mại Mỹ-Trung, sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận “giai đoạn 1” vừa đạt được.

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ, về các dịch vụ tài chính, và đây là một thỏa thuận ngoại hạng dành cho giới nhà nông. Trung Quốc sẽ mua từ 40- 50 tỷ USD nông phẩm của Mỹ, tức là nhiều hơn từ 2,5 đến 3 lần so với lúc trước. Tôi đề nghị nông dân đi mua ngay thêm đất để canh tác và mua thêm máy cày”.

Thỏa thuận một phần này có thể sẽ được Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết nhân Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019 tại Chile. Trước mắt, ông Donald Trump hoãn tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc kể từ tuần tới. Có nghĩa là 250 tỷ USD hàng của Trung Quốc bán sang Mỹ vẫn bị đánh thuế 25% thay vì 30% như Mỹ từng đe dọa.

Trong khi đó, báo chí tại Trung Quốc ngày 12/10 xoáy vào những “tiến bộ” sau vòng đàm phán mới nhất tại Washington, nhưng tránh sử dụng cụm từ “đạt được một thỏa thuận”, dù là một phần như đánh giá của các phương tiện truyền thông phương Tây.

Bản tin của Tân Hoa Xã nhấn mạnh: “Đôi bên đã đối thoại một cách ‘thành thật, hiệu quả và trên tinh thần xây dựng’ về các hồ sơ kinh tế và thương mại, nhờ vậy đã đạt được những ‘tiến bộ quan trọng về nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái, dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và những xung khắc gây tranh cãi’. Đôi bên đồng ý tiếp tục đối thoại để đạt được một thỏa thuận sau cùng”.

* ... chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những nghi ngờ

Giá cổ phiếu tại Phố Wall đã tăng đáng kể suốt phiên giao dịch ngày 11/10. Tuy nhiên, sau khi Nhà Trắng công bố sơ thảo của thỏa thuận dự kiến, thị trường đã để mất một số mức điểm được ghi nhận trước đó. Chỉ số công nghiệp Dow Jones, vốn đã tăng hơn 500 điểm trước đó, chỉ còn tăng 319,92 điểm lúc đóng cửa và chốt tại 26.816,59 điểm

Một phần nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các nhà đàm phán đã không giải quyết tranh chấp về tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei với lý do tập đoàn này đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ vì thiết bị của họ có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Ông Trump đã nói rằng ông sẵn sàng sử dụng Huawei như một quân cờ để thương lượng trong các cuộc đàm phán.

Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, cho rằng thỏa thuận này chỉ đơn thuần là ‘tạm nghỉ tranh chấp’. Ông nói: “Tổng thống đang làm như là ông đã có rất nhiều nhượng bộ của Trung Quốc, nhưng họ không hề”.

Đồng quan điểm trên, ông Gregory Daco, một nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định rằng thỏa thuận một phần này sẽ không giải tỏa được nhiều sự bất định xung quanh chính sách thương mại vốn đã khiến nhiều công ty Mỹ không dám đầu tư mua sắm thiết bị và mở rộng sản xuất.

Ông nói: “Đối với các doanh nghiệp, thỏa thuận một phần có nghĩa là ít thiệt hại hơn, chứ phải chắc chắn nhiều hơn”. Ông Gregory Daco ước tính chiến tranh thương mại sẽ làm giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào năm 2020.

Mặc dù vậy, cho đến nay, hai bên đã tiến đến "gần như một thỏa thuận hoàn chỉnh" trên hai vấn đề dịch vụ tài chính và tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết. Phía Trung Quốc đã đồng ý minh bạch hơn về cách họ định giá đồng nhân dân tệ, đồng thời đồng ý mở cửa thị trường cho các ngân hàng Mỹ và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác, ông Mnuchin nói thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục