DIW: Kinh tế Đức đang phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

06:02' - 22/06/2021
BNEWS Nền kinh tế Đức đang dần hồi phục sau thời gian dài phải đóng cửa do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động xấu tới sự phát triển của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này.

 

Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) mới đây đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này lên 3,2% trong năm nay và 4,3% trong năm 2022.

Theo DIW, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người được tiêm chủng và số ca lây nhiễm COVID-19 mới đang giảm mạnh, nhiều lĩnh vực kinh tế đang kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường, nhất là các lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế DIW, sau thời gian phát triển mạnh mẽ trở lại trong thời gian qua, ngành công nghiệp nước này lại đang đối mặt với tình trạng khan hiếm ngày càng trầm trọng nguồn cung nguyên liệu thô và các loại sản phẩm trung gian.

Việc thiếu hụt này đang gây áp lực mạnh mẽ lên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khiến nguy cơ đình trệ sản xuất và phá sản gia tăng, nhiều doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu cung ứng cho quá trình sản xuất.

Theo DIW, điều này cho thấy quá trình đối phó với hậu quả của đại dịch còn lâu dài và luôn phải dự kiến những bước thụt lùi của nền kinh tế. Nếu không có đại dịch, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt khoảng 2,5% trong giai đoạn 2020-2021.

Theo tính toán của DIW, tổng thiệt hại của nền kinh tế đầu tàu châu Âu thậm chí có thể lên tới 350 tỷ euro (hơn 417 tỷ USD)- tương đương khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cũng theo DIW, trong ngắn hạn, nền kinh tế xuất khẩu của Đức sẽ được hưởng lợi từ những diễn biến khả quan, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ- thị trường xuất khẩu hết sức quan trọng của các nhà sản xuất Đức.

Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu cũng đang gặp nhiều khó khăn do sự tái bùng phát trở lại của đại dịch (như tình hình Ấn Độ thời gian qua) cũng như sự thiếu hụt nguyên liệu thô. Điều này không chỉ khiến cho nhiều nhà sản xuất Đức không có đủ nguyên liệu đầu vào, mà còn khiến giá cả và chi phí sản xuất tăng, làm giảm tỷ suất lợi nhuận của họ.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể tự bảo vệ mình trước những diễn biến như vậy và phải đối mặt với nguy cơ phá sản gia tăng. Thời gian tới, DIW dự kiến sẽ có nhiều vụ phá sản xảy ra.

Theo đánh giá của Chủ tịch DIW Marcel Fratzscher, nền kinh tế Đức có khả năng phục hồi tốt trong những tháng Hè này nhưng chưa vượt qua đỉnh điểm khó khăn. Những bước lùi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là từ mùa thu trở đi. Do đó, cần phải chuẩn bị kỹ để có thể đối phó với mọi tình huống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục