Doanh nghiệp bất động sản gặp vướng mắc gì trong cơ chế, chính sách?

12:33' - 18/02/2020
BNEWS VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp kiến nghị trong hội nghị này để gửi lên Thủ tướng.

Sáng 18/2, tại Hà nội, Hiệp hội Bất động sản Việt nam (VNREA) tổ chức hội nghị trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững. Sự kiện thu hút quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc cùng các chuyên gia trong những lĩnh vực liên quan.

Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng to lớn đến các ngành kinh tế khác như: tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch dịch vụ… và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như sự ổn định xã hội.

Các cơ chế chính sách của Nhà nước có tác động sâu sắc đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong nước và nước ngoài. Vì vậy, trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam là việc làm rất cần thiết.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho biết đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp kiến nghị trong hội nghị này để gửi lên Thủ tướng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng khảo sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản, tiến tới buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc. Bộ Xây dựng có kế hoạch lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tại 5 thị trường lớn tiêu biểu.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, thời gian qua, những tác động từ thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản, siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện... khiến thị trường có dấu hiệu trì trệ. VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp kiến nghị trong hội nghị này để gửi lên Thủ tướng.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp này đã tập hợp các ý kiến từ công ty con để tổng hợp được 14 trang vướng mắc về thủ tục hành chính đang ảnh hưởng đến hoạt động như: condotel, officetel; cấp sổ đỏ, tách sổ đỏ cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam; bất cập về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư... và giao đất BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest chia sẻ, trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp. "Giải pháp tốt nhất là sửa luật", ông Hiệp nhấn mạnh.

Về câu chuyện “tắc nghẽn” dự án hiện nay, ông Hiệp dẫn chứng do bất cập của Luật Đất đai. Doanh nghiệp rất khổ khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai.

Có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành; thậm chí là có dự án phải qua 5 "đời" Chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được. Đó là chưa kể đến hàng loạt khó khăn về đền bù đất đai tại các dự án liên quan đến chênh lệch giá đất...

Phản ánh về các khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC điểm mặt 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

"Về pháp lý, có luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản. Nếu khơi thông được luật, sẽ khơi thông được các dự án bất động sản” – bà Dung phản ánh.

Các doanh nghiệp bất động sản chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương…

Bên cạnh đó còn tồn tại vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại. Để làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm. Điều này không chỉ gây khó khăn mà còn khiến doanh nghiệp bị lỡ cơ hội đầu tư.

Dưới một góc nhìn khác, đại diện Novaland nhận xét, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhất là trong những tháng cuối năm 2019.        Điển hình như dự án của Tập đoàn Novaland là Grand Manhattan tại 100 Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được hỗ trợ kịp thời và đến nay đã được UBND Thành phố gaio đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.

Cùng đó, 7 dự án ở quận Phú Nhuận của doanh nghiệp này cũng Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ và phản ánh kịp các khó khăn.

Hiện các dự án này đang đc Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân. Điều này chứng tỏ nỗ lực đồng hành của các cấp, ngành trong việc tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, quá trình ban hành luật, nghị định, văn bản không thể tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Do đó, khi triển khai trên thực tiễn sẽ có những vướng mắc cần tháo gỡ.

VNREA và các doanh nghiệp cần tập hợp thống nhất các kiến nghị theo chỉ đạo của Thủ tướng để thị trường bất động sản phát triển thông thoáng, bền vững, tạo tâm lý an tâm cho doanh nghiệp./.

Xem thêm:

>>https://bnews.vn/xu-huong-ban-bat-dong-san-qua-cac-ung-dung-cong-nghe/147633.html

>>https://bnews.vn/bat-dong-san-phuc-vu-thi-truong-ban-le-van-giau-tiem-nang/145877.html

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục