Doanh nghiệp châu Âu bi quan về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc

14:07' - 15/06/2016
BNEWS Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cộng thêm sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước gia tăng, làm các doanh nghiệp EU càng bi quan về môi trường kinh doanh tại đây.
Doanh nghiệp châu Âu bi quan về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Ảnh: reuters

Theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại châu Âu, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cộng thêm sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước gia tăng, làm các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) đang hoạt động ở Trung Quốc ngày càng bi quan về môi trường kinh doanh tại đây.

Báo cáo trên nêu rõ 55% doanh nghiệp châu Âu cho rằng công việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc đang gặp khó khăn và 60% doanh nghiệp phàn nàn rằng các quy định về môi trường, an toàn của nước sở tại đang không có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn 70% các doanh nghiệp châu Âu (77% các doanh nghiệp Mỹ) cảm nhận họ bị phân biệt đối xử và ít được hoan nghênh so với cách đây 10 năm.

Có ba lĩnh vực đang bị thua thiệt do bị hạn chế tiếp cận thị trường là phương tiện thông tin đại chúng, cơ khí chế tạo và dược phẩm.

Do vậy, các doanh nghiệp EU cũng như các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu hoài nghi đối với những lời hứa, cam kết mở cửa thị trường của Chính phủ Trung Quốc mới đây.

Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm tình trạng dư thừa công suất không chỉ trong các ngành công nghiệp chủ chốt như thép, than, xi măng, mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Trên thực tế, Trung Quốc luôn ban hành những quy định về an ninh không rõ ràng và siết chặt việc tiếp cận phương tiện thông tin, nhất là Internet.

Đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đối với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.

Theo báo cáo trên, tính từ đầu năm đến nay, số lượng các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Trung Quốc đã giảm 9% so với năm trước, trong khi cách đây ba năm, hơn 86% doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn mở rộng đầu tư tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quốc tế, thời kỳ "đỉnh cao" của Trung Quốc sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã qua.

Sự tương phản ngày càng rõ rệt khi châu Âu mở rộng cửa cho Trung Quốc, còn quốc gia châu Á này ngày càng "khép lại" đối với châu Âu, dù cho hai bên đang đàm phán về hiệp định đầu tư song phương tại thủ đô của Bỉ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục