Doanh nghiệp chứng khoán trở lại "đường đua" tăng vốn

15:31' - 25/01/2024
BNEWS Việc các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn phần nào phản ánh tiềm năng của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Dù còn nhiều khó khăn phải đối diện, nhưng giới phân tích dự báo năm  2024,  chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục tăng điểm với nhiều gam màu tươi sáng hơn. Nhờ mặt bằng lãi suất, dòng tiền sẽ tiếp tục “chảy” vào kênh chứng khoán, cùng đó, nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi tích cực, câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại. Trước triển vọng này, nhiều doanh nghiệp chứng khoán đã có phương án tăng vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC) cho biết: Cuộc đua tăng vốn giữa các công ty chứng khoán có dấu hiệu "nóng" trở lại trong giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, khi có tới 7 công ty chứng khoán lớn công bố phương án tăng vốn điều lệ. Tổng giá trị tăng vốn dự kiến là khoảng 17.000 tỷ đồng, chủ yếu được sử dụng để mở cung margin (vay ký quỹ), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và đầu tư khác.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tăng vốn để bù lại dòng vốn đang bị “đóng băng” do nắm giữ lượng lớn trái phiếu. Nhìn chung, các đợt tăng vốn có thể coi là chiến lược đi trước đón đầu làn sóng tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024 với câu chuyện hồi phục của các doanh nghiệp và vận hành hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin điều hành và quản lý giao dịch trên thị trường chứng khoán của Hàn Quốc).

DSC cho rằng, mảng cho vay ký quỹ còn nhiều động lực tăng trưởng. Xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024, bù lại các doanh nghiệp có thể thu hút tệp khách hàng mới và tạo tiền đề cho mảng margin.

Tuy nhiên, các đợt tăng vốn diễn ra liên tục trong giai đoạn 2022-2023 đã khiến cung margin mở rộng, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu toàn ngành mới ở mức 68%. Với ngưỡng cho vay tối đa là 200%, dư địa cho vay năm 2024 là khá lớn. Lợi nhuận từ mảng margin 5 năm gần đây luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các công ty chứng khoán. Vì vậy DSC kỳ vọng, mảng cho vay margin sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán.

Tuy nhiên, việc tăng vốn nóng trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa thực sự sôi động trở lại có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong ngắn hạn.

Tốc độ tăng lợi nhuận chậm hơn tốc độ tăng vốn đã khiến chỉ số ROE (Tỷ số lợi nhuận trên tài sản) trung bình của nhóm công ty chứng khoán niêm yết trên HOSE và HNX giảm xuống mức rất thấp. Cần vài năm để dòng tiền tăng vốn được hấp thụ. Vì vậy, chỉ số ROE sẽ duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2024-2025, DSC nêu quan điểm.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhu cầu margin tăng nhờ lãi suất hấp dẫn, ước tính lãi vay margin có thể tiếp tục giảm 50 – 100 bps (điểm cơ bản) trong đầu năm 2024 trước khi tăng trở lại vào cuối năm.

Mới đây, cổ đông Công ty cổ phần Chứng khoán (SSI) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nếu thực hiện thành công, SSI sẽ phát hành thêm 453,3 triệu cổ phiếu, thu về gần 5.300 tỷ đồng. Số vốn này được sử dụng cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh. Vốn điều lệ của SSI dự kiến sẽ được nâng lên gần 19.645 tỷ đồng, nới rộng khoảng cách với công ty chứng khoán xếp thứ 2 về vốn điều lệ là Công ty cổ phần Chứng khoán VPS với 15.000 tỷ đồng.

Với lãi suất đầu vào thấp, SSI có lợi thế trong cả mảng tự doanh và margin. Cơ cấu danh mục hợp lý, nắm giữ nhiều tài sản thu nhập cố định đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động tự doanh. Mảng margin mang lại dòng tiền tương đối ổn định, đóng góp 21-28% doanh thu cho SSI trong 3 năm trở lại đây.

Mảng môi giới tuy đã có cải thiện theo diễn biến hồi phục của thị trường, nhưng trong thời gian tới nhiều khả năng biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp khi SSI tham gia vào cuộc chiến miễn giảm phí, bù lại doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô khách hàng và tối ưu hóa mảng margin.

Trung tuần tháng 12/2023, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) quyết định bổ sung 3.000 tỷ đồng đầu tư vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) - công ty chứng khoán do nhà băng này sở hữu 100%. Đợt tăng vốn dự kiến thực hiện trong năm 2024 có thể nhanh chóng đưa ACBS bước vào Top 5 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất ngành. Quyết định trên được thông qua chỉ một tháng rưỡi sau khi ACBS hoàn tất các thủ tục tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.

Hội đồng thành viên công ty này cũng vừa họp và thống nhất kế hoạch kinh doanh năm 2024. Các con số cụ thể không được công bố, nhưng phương án nâng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng cùng việc bổ nhiệm thêm các nhân sự lãnh đạo đã phần nào cho thấy kỳ vọng của ngân hàng mẹ ACB đối với đơn vị thành viên này vào năm 2024.

Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng đã chốt quyền phát hành hơn 57 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.377 tỷ đồng.

Cùng với sự tham gia của các công ty chứng khoán thuộc ngân hàng, nhóm các công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường cũng "dồn dập" tăng vốn.

Ngày 7/12/2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: HSC) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, Công ty dự kiến phát hành 297 triệu cổ phiếu thông qua 2 phương án là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2021, qua đó tăng vốn điều lệ lên 7.552 tỷ đồng.

Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh, góp phần nâng cao năng lực tài chính và phát triển hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán này trong thời gian tới.

Quý IV/2023, doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ của Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.066 tỷ đồng, tương đương 47% tổng doanh thu. Trong năm 2023, hoạt động cho vay margin của công ty tăng trưởng đều đặn và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu nhờ sự linh hoạt trong mô hình quản lý rủi ro cho vay ký quỹ. Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay ký quỹ đạt hơn 12.135 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn phần nào phản ánh tiềm năng của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam chưa tới 7%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan và mức 12,5% tại Malaysia. Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ những tồn tại giúp thị trường chứng khoán có thể sớm được nâng hạng. “Với tất cả những yếu tố này kết hợp lại, chúng tôi tin rằng triển vọng của lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn tồn tại nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác hết”, VNDirect nếu quan điểm.

Theo khảo sát, đa số các công ty chứng khoán cho biết sẽ sử dụng số tiền huy động vốn để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Đây được đánh giá là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn.

Việc phát hành cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán sẽ giúp bổ sung thêm nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… trong bối cảnh thị trường khởi sắc.

Các hoạt động này có thể giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn. Thực tế cho thấy, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán đang diễn ra sôi động từ nửa cuối năm 2023 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xét về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy việc tăng vốn là cần thiết để tạo ra những công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định.

Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), VN-Index đang trong nhịp phục hồi kể từ sau khi tạo đáy vào cuối năm 2022. Môi trường lãi suất giảm thấp tiếp tục là động lực để thị trường chứng khoán tăng điểm và thu hút dòng tiền.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 đã cải thiện tích cực, tăng 55% so với 6 tháng đầu năm. Hệ thống giao dịch KRX kỳ vọng giúp thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện và là tiền đề để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển đa dạng thêm sản phẩm, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường.

Hiện nay, giá trị giao dịch, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, có thể thấy thanh khoản thị trường còn nhiều dư địa để cải thiện.

Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. Agriseco cho rằng, nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư ngoại. Ngoài ra, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển cả về chất và lượng, tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm vừa qua, các công ty chứng khoán đã liên tục tăng vốn, đưa quy mô tăng gấp 3 lần. Qua đó, các công ty chứng khoán sẽ có thêm nguồn lực để tăng trưởng trong các mảng kinh doanh chính như cho vay.

Chứng khoán Agriseco cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển là xu hướng tất yếu. Trong nhiều thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu.

Ở Việt Nam, số tài khoản chứng khoán đang tăng nhanh nhưng hiện mới đạt khoảng hơn 7% dân số, đây là tỷ lệ rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ này ở Đài Loan (Trung Quốc) là 95%, Hàn Quốc là 76%, Mỹ là 56% và Trung Quốc cũng là 13%. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục