Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó tìm lao động chất lượng cao

15:58' - 31/10/2023
BNEWS Hansiba đã kết nối với các trường để có giải pháp đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Các ngành đào tạo nổi bật được hướng tới như: Cơ điện tử; cơ khí chế tạo; công nghệ hàn.

Việt Nam đang đón nhận nhiều dự án đầu tư và quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động chất lượng cao.

*Doanh nghiệp “khát” nhân lực

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động; trong đó lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ. Đây là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử..., đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Cao Văn Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp cho biết, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những doanh nghiệp cần đội ngũ có tay nghề cao, đều gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Công nghiệp hỗ trợ hiện đã cải tiến nhiều trong quy trình sản xuất và công nghệ, điều này đòi hỏi người lao động phải có khả năng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi. Việc tìm kiếm và duy trì những nguồn lao động như vậy đang là một thách thức không nhỏ, ông Cao Văn Bình nói.

Công ty CP Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) trong năm 2022 đã đạt doanh thu 9 tháng đầu khoảng 400 tỷ đồng, nhưng đến cùng kỳ năm nay, đơn vị này không thể vượt qua được mức 370 tỷ đồng doanh thu. 

“Doanh số sụt giảm, lợi nhuận cũng giảm theo bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu khó khăn. Thời gian này doanh nghiệp tập trung cho đào tạo công nhân, nâng cấp hệ thống… để chuyển đổi quá trình sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc công ty trên cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vấn đề nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp thích ứng với công nghệ mới và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba), các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang chịu sự cạnh tranh rất lớn về vấn đề thu hút người lao động chất lượng cao. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị tuột mất rất nhiều hợp đồng sản xuất cũng như những cơ hội đầu tư đến từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Không chỉ vậy, các chương trình đào tạo nhìn chung hiện nay vẫn chưa theo sát giữa xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong nhà trường, đối với cả các chương trình đào tạo kỹ sư thì cũng đang đào tạo thiên về lý thuyết và rất thiếu thời lượng chương trình thực hành tại nhà trường cũng như tại doanh nghiệp.

Từ thực tế này, để tăng cường nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, Hansiba đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp. Việc làm này giúp giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác, sinh viên các trường có điều kiện tiếp cận kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.

“Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các doanh nghiệp, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung-cầu về nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Vân nhận định.

*Chủ động từ 2 phía

Để có nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản, có lộ trình và những chế độ đãi ngộ phù hợp.

Ông Nguyễn Vân cho biết, điều này đòi hỏi sự chủ động từ 2 phía doanh nghiệp – nhà trường. Với mục tiêu đó, Hansiba đã kết nối với các trường để có giải pháp đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Các ngành đào tạo nổi bật được hướng tới như: Cơ điện tử; cơ khí chế tạo; công nghệ hàn; chế tạo thiết bị cơ khí; chế tạo khuôn mẫu; vẽ và thiết kế cơ khí; sửa chữa, bảo dưỡng máy công nghệ cao; công nghệ ô tô; điện công nghiệp...

TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho hay, mỗi năm, nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Để bảo đảm các tiêu chí có tay nghề, ra trường là có việc làm, nhà trường không chỉ dạy lý thuyết cho sinh viên mà tăng cường đào tạo thực hành ở các xưởng sản xuất thực tế.

Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là những khóa giúp nâng cao trình độ người lao động, chuyển giao khoa học-công nghệ. Việc này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao.

Rõ ràng, khi hội nhập, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhiều hơn. Cùng đó là cải tiến quy trình, phương pháp quản lý, kiểm soát chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực chất lượng nhằm phát triển bền vững, đặc biệt khi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế dần cho sức lao động của con người. 

Đánh giá cao mối liên kết giữa nhà trường và doanh, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho hay, trong bối cảnh công nghệ thay đổi thường xuyên thì việc cập nhật, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động cũng cần thay đổi nhanh chóng để phù hợp. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà trường.

Về phía Bộ Công Thương, hiện nay Cục Công nghiệp đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Cao Văn Bình chia sẻ, hiện Trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa Hà Nội... để tổ chức các chương trình đào tạo.

Với sự chủ động từ phía bộ ngành, doanh nghiệp và nhà trường, các chuyên gia cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thời gian tới sẽ được giải quyết, đặc biệt là “cân bằng” lại giữa việc học và thực hành của người lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục