Doanh nghiệp đầu tư còn ít cho đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường

18:22' - 02/11/2016
BNEWS Việc đầu tư và chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi đầu tư và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 2/11, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố Dự án đánh giá thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo kết quả dự án này, việc đầu tư và chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi đầu tư và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư còn ít cho đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Thạc sĩ Trần Thị Hồng Minh, Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) cho biết, dự án khảo sát thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện môi trường của 357 doanh nghiệp tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và Quảng Ninh. Đây là các tỉnh có phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp cần thiết bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đồng thời có đặc thù phải đầu tư vào công nghệ sản xuất cũng như xả thải lớn, cần xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường.

Kết quả khảo sát cho thấy, gần 40% có đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường và có chi phí thường xuyên cho hoạt động này. Trong số các doanh nghiệp này có tới 74% có chi phí đầu tư cho bảo vệ môi trường nhỏ hơn 10% chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp.

Trung bình tỷ lệ chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường của doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 1% so với tổng chi phí sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, gần 70% doanh nghiệp đổi mới công nghệ 1 lần trong quá trình hoạt động, tính từ khi thành lập doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, 30% công nghệ nhập từ Trung Quốc. Số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường rất thấp, chỉ chiếm 22% trong tổng số gần 360 doanh nghiệp được khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ còn thấp. Hai nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là sản xuất kim loại và kim loại đúc sẵn lại có tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ thấp hơn nữa.

Trong khi đó, dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ than thiện với môi trường nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo và chưa đi vào thực tiễn. Số doanh nghiệp nhận được ưu đãi, hỗ trợ rất ít.

Theo các doanh nghiệp, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, giải ngân chậm, tiêu chuẩn với doanh nghiệp khắt khe. Hơn nữa, chính sách triển khai xuống địa phương gặp rất nhiều bất cập.

Dự án đã đưa ra một số gợi ý chính sách như thí điểm thành lập ngân hàng “xanh”, cấp tín dụng hỗ trợ tài chính cho hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ than thiện với môi trường. Kết nối giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ than thiện với môi trường. Đẩy mạnh vai trò hoạt động của các quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ vốn, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện công ty Nam Anh (Hà Nội) kiến nghị cơ quan nhà nước cần rà soát lại các chính sách hiện nay để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các quỹ, chương trình hỗ trợ. Từ đó, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ phù hợp với môi trường.

“Chính phủ đang kêu gọi cải thiện môi trường, xử lý tốt các nguồn nước thải, rác thải nhưng doanh nghiệp rất khó đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường vì kinh phí tốn kém. Chúng tôi mong muốn các chính sách gần với thực tế hơn để chúng tôi mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ”, ông Ngọc Anh cho biết.

Theo TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, dự án nhằm đánh giá khó khăn, thuận lợi của việc đầu tư cho đổi mới công nghệ và môi trường của doanh nghiệp. Từ đó kiến nghị các giải pháp khả thi cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành, Ban thực hiện dự án đã nhận được phản hồi của doanh nghiệp về chính sách đầu tư đổi mới công nghệ và kiến nghị về cơ chế chính sách hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục