Doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ

18:23' - 18/03/2020
BNEWS Điểm chung mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi là cần có sự minh bạch trong triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… là chính sách tiền tệ đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm ứng phó với dịch COVID-19.

Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện tại, từ đó, tác động tích cực đến nền kinh tế trong thời gian tới.

Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Cuối ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần. Nhiều Ngân hàng Trung ương khác cũng đã có các động thái tương tự.

Trước đó, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng.

Cả hai giải pháp trên được giới chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực. Bởi lẽ, định hướng chính sách này dựa trên nguyên tắc hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm chi phí ở 2 kênh, giảm lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi và giảm phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia tài chính, dù các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.

Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. Tác dụng của việc giảm lãi suất điều hành mang tính trung, dài hạn, chủ yếu tác động tới các khoản vay mới.

Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Do vậy, việc khoanh, giãn nợ và các chính sách miễn, giãn thuế, phí khác sẽ mang tính hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hơn trong thời điểm này.

Ngoài chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, với cam kết lãi suất cho vay giảm từ 0,5-2 %/năm so với mặt bằng lãi suất chung.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nhiều gói giải pháp được các ngân hàng thương mại đưa ra như xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có gói tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1-3%; giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng…

Tại mỗi tỉnh, thành, các ngân hàng thương mại sẽ có gói hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cho biết, một gói tín dụng 270.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi sẽ được triển khai thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng.

Gói tín dụng này được các ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký tham gia trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây sẽ là cơ sở để ngành ngân hàng đưa tín dụng với lãi suất hợp lý đến nhanh các doanh nghiệp có yêu cầu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm 2020.

Trước đó, trong tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng kết nối trực tiếp với các sở, ngành, hiệp hội thống kê các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thể lên phương án kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Minh bạch các gói hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa Tp. Hồ Chí Minh, dù giao dịch các sản phẩm cao su nhựa vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành này lại đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, do chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. Với nguồn nguyên liệu hiện có các doanh nghiệp cao su - nhựa chỉ có thể sản xuất cầm cự đến cuối tháng 3, lâu nhất là đến giữa tháng 4.

Một khó khăn khác của các doanh nghiệp ngành này, đó là dòng tiền về rất chậm. Hàng vẫn bán được, nhưng khách hàng lấy cớ vì dịch bệnh nên chậm trả cho doanh nghiệp. Thông thường, dòng tiền của doanh nghiệp xoay vòng 3-4 lần/năm, thế nhưng nay chỉ còn 1-2 lần khiến chi phí trả lãi vay ngân hàng tăng lên đáng kể. Từ dòng tiền về chậm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lãi suất đúng hạn cho ngân hàng.

Do vậy, ngoài việc giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, đại diện Hội Cao su - Nhựa Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, ngành ngân hàng cần nhanh chóng có giải pháp giãn nợ, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng gián tiếp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dĩ phải vay ngân hàng có lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.

“Chúng tôi đã thử liên hệ với một số ngân hàng có công bố tham gia gói 285.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên, câu trả lời lại là phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, phải có đơn xin xác nhận hỗ trợ… cùng nhiều yêu cầu khác. Thực tế, doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ ưu đãi này từ phía ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp trong ngành cao su - nhựa, nhiều ngành sản xuất khác cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn ưu đãi từ các ngân hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 như du lịch, khách sạn, hàng không… rất dễ thấy mức ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng gián tiếp thì rất khó chứng minh cho ngân hàng để đề nghị hỗ trợ.

Thêm vào đó, có một vấn đề không phải đến nay mới đặt ra, đó là làm thế nào để các chính sách hỗ trợ có thể đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Một khảo sát mới đây trên 100 doanh nghiệp của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, bản thân các doanh nghiệp lớn có nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm số đông) thì họ cần sự hỗ trợ rất nhiều, từ lãi suất, giãn, giảm thuế, đến kết nối doanh nghiệp và ngân hàng… Tuy nhiên, điểm chung mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi là cần có sự minh bạch trong triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện Chính phủ đã đưa ra các chính sách, gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp cần thì không biết cụ thể. Do vậy, cần phân bổ minh bạch các gói hỗ trợ, đưa vốn vào cuộc sống đúng nơi, đúng doanh nghiệp để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 đang tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội với những phản ứng dây chuyền. Do đó, không chỉ riêng ngành ngân hàng, Chính phủ cần có những giải pháp tổng thể mạnh mẽ hơn để kích thích nền kinh tế vực dậy ngay sau khi dịch được khống chế; từ đó, có thể hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế chính sách chỉ là hỗ trợ. Trên thực tế, trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức bởi dịch COVID-19./.

>>>Dịch COVID-19: Sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục