Doanh nghiệp liên kết trong phòng chống thiên tai

18:09' - 15/10/2021
BNEWS Có tới 63% doanh nghiệp liên doanh, 49% doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào các hoạt động đóng góp, cứu trợ, ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Chiều 15/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp tổ chức hội thảo: "Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh".

Hội thảo nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 13/10, cung cấp thông tin về thực trạng tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; đánh giá tác động của chính sách đối với vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Khai mạc hội thảo, ông Partrick Haveman, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã áp dụng một số mô hình tăng trưởng xanh, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu đầu vào, áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng năng suất doanh nghiệp, nghiên cứu và phát triển các loại hạt giống chịu được sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt...

Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch, ứng cứu và hỗ trợ người dân; đồng thời, tích cực tham gia vào nỗ lực khắc phục hậu quả, phòng ngừa thiệt hại của dịch bệnh.

Điều đó cho thấy, vai trò, sức ảnh hưởng và tiềm năng to lớn của khối tư nhân trong việc đóng góp những nỗ lực chung của quốc gia nhằm giải quyết những tác động và hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hội thảo tập trung chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong việc thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai; kinh nghiệm hình thành mạng lưới doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay kinh nghiệm phát triển các mô hình doanh nghiệp chủ động phòng chống thiên tai tại một số thành phố lớn...

Đặc biệt, chia sẻ ý tưởng về việc hình thành mạng lưới liên kết doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam để tập hợp thông tin, vận động chính sách ở các cấp chính quyền hoặc triển khai các hoạt động đào tạo..., góp phần nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Partrick Haveman cho hay, UNDP cùng các cơ quan hữu quan đã khuyến khích nhóm công tác kỹ thuật, nhóm nghiên cứu cùng các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp tiếp thu những sáng kiến và gợi ý cách làm mới để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc như đại dịch COVID-19.

Qua đó, cung cấp các thông tin về thiên tai, kiến thức và công cụ kỹ thuật số để lập kế hoạch thích ứng, giúp khối doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam giảm thiểu đáng kể những tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng. Quá trình biến đổi khí hậu cũng đang diễn ra nhanh hơn dự báo và ngày càng phức tạp, làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu trong suốt 30 năm qua. Mỗi năm, trung bình thiên tai khiến gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5 % GDP.

Riêng năm 2020, Việt Nam phải chống chịu với 16/21 loại hình thiên tai khiến 357 người chết và mất tích, gần 340 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hại; gần 200 nghìn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, gây thiệt hại kinh tế lên đến gần 40 nghìn tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai đã khiến hơn 100 người chết và bị thương, hàng trăm ngôi nhà sập và 8 nghìn nhà dân bị hư hỏng.

Qua kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành, ứng phó và giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra cho thấy, doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của thiên tai, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng tới điều kiện kinh doanh liên tục và làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Doanh nghiệp cũng là một trong những đối tượng chính tham gia vào việc hỗ trợ các cơ quan Nhà nước và cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai một cách hiệu quả như tập trung sản xuất của cải vật chất, nhu yếu phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của xã hội.

Song song đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các hoạt động tăng cường tính chống chịu và thích ứng với thiên tai, dịch bệnh của cộng đồng, đảm bảo xây dựng một xã hội an toàn trước những tác động và thách thức của biến đổi khí hậu.

Do vậy, cần thiết phải quan tâm và đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu.

Dẫn chứng báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thời tiết cực đoan. Thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên tới khoảng 1,5% GDP mỗi năm tại Việt Nam và có thể còn tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Tác động của thiên tai đến doanh nghiệp chủ yếu là tiêu cực. Thiên tai gây ra nhiều trở ngại cho hoạt động kinh doanh. Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động tiêu cực rõ rệt nhất và nhóm doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trong năm qua, giá trị tổn thất bình quân do thiên tai, dịch bệnh khoảng 20 triệu đồng/doanh nghiệp. Tùy theo từng khu vực và  lĩnh vực hoạt động, tổn thất của doanh nghiệp sẽ ở những mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, trải qua những thách thức của đại dịch COVID-19 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều phải đối diện với khó khăn; trong đó, có tới 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến trong năm 2021 giảm hơn so với năm 2020, ông Tuấn cho biết.

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp trong hỗ trợ cộng đồng phòng chống thiên tai, ông Tuấn cho biết, có tới 63% doanh nghiệp liên doanh, 49% doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào các hoạt động đóng góp, cứu trợ, ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai, thể hiện trách nhiệm xã hội nên cần được cổ vũ, khuyến khích hơn nữa.

Chính vì lẽ đó xây dựng Chiến lược phòng chống thiên tai quốc gia và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là việc làm cần thiết vào lúc này/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục