Doanh nghiệp lúng túng khi đụng phải hóa đơn của “công ty ma”

18:20' - 06/12/2024
BNEWS Nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp một số khó khăn khi bị xác định sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn hoặc các “công ty ma”.

Ngày 6/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ  (ITPC) phối hợp Cục Thuế thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố, nhằm cập nhật chính sách thuế mới và giải đáp vướng mắc của người nộp thuế liên quan đến các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, hóa đơn điện tử.

 

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp một số khó khăn khi bị xác định sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn hoặc các “công ty ma”.

* Lỡ mua hàng, sử dụng hóa đơn của “công ty ma”

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Đại diện Công ty Daikin Việt Nam, hàng năm đoàn kiểm tra của ngành thuế luôn loại trừ một số hóa đơn trong các trường hợp nhà cung cấp là các doanh nghiệp bỏ trốn, các “công ty ma”.

Bà Thủy cho biết, tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp cung cấp hóa đơn đã bỏ trốn, nhưng lúc công ty mua hàng hóa dịch vụ và lập hóa đơn, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường. Phía Daikin đã có giải thích, song đoàn kiểm tra cũng không chấp nhận và loại trừ hết các hóa đơn này. Đoàn kiểm tra sẽ tham chiếu vào Luật Quản lý thuế ở Điều 142 (về hóa đơn không hợp lệ) và Điều 143 (hành vi trốn thuế) để có cơ sở phạt từ 1-3 lần thuế.

“Doanh nghiệp chấp nhận phạt, nhưng khi cơ quan kiểm tra tham chiếu vào Điều 143 – có hành vi trốn thuế để xử phạt sẽ khiến Daikin gặp rất nhiều khó khăn, có khả năng bị tước quyền ưu tiên hải quan. Trong khi đó, những hóa đơn này do nhân viên mang về, thường là hóa đơn tiếp khách, thuê phòng… có giá trị rất nhỏ, chỉ khoảng 30 triệu đồng”, đại diện Daikin Việt Nam cho biết.

Không chỉ riêng Daikin Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thêu Thuận Phương (Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh) cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến các hóa đơn của "công ty ma”.

Bà Phạm Ngọc Hải, kế toán tổng hợp của công ty này cho biết, vào tháng 1/2022 công ty có mua dịch vụ quay phim chụp hình của Công ty Daniel Studio (mã số thuế 0314506573), với trị giá khoảng 9 triệu đồng. Đến năm 2024, công ty nhận được thông tin Daniel Studio có liên quan đến vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác. Như vậy, gần 2 năm sau ngày mua dịch vụ việc Công ty Daniel Studio bỏ trốn mới bị phát hiện, trong khi dịch vụ phát sinh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thêu Thuận Phương là có thật.

“Trong trường hợp này, số tiền mua dịch vụ trên có bị loại khi xác định chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp không? Làm thế nào để chúng tôi khi mua hàng hóa có thể phát hiện doanh nghiệp hoạt động bất hợp pháp, tránh không thực hiện giao dịch nữa”, bà Hải nêu.

Ngoài ra, đại diện May Thêu Thuận Phương cũng nêu vướng mắc trong trường hợp sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể, tại ngày mua hàng hóa, công ty có lên trang tra cứu thông tin doanh nghiệp, mã số thuế tại thời điểm phát sinh giao dịch thì nhà cung cấp vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian 1-2 năm, họ làm ăn thua lỗ không hoạt động, tạm ngừng kinh doanh thì đơn vị mua hàng bị dừng hoàn thuế, thậm chí loại chi phí như vậy có đúng không?

Trong khi đó, trong mua bán công ty có lập hợp đồng/văn bản, báo giá, có thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. Thậm chí, có những đơn vị còn yêu cầu tờ khai giấy nộp tiền thuế hàng tháng cho cơ quan có thẩm quyền. Hóa đơn chứng từ của đơn vị cung cấp hàng hóa cũng đã được xuất và gửi dữ liệu đến cơ quan thuế. Đại diện công ty này cho rằng, trách nhiệm quản lý và xử lý đơn vị bán không thuộc quyền của bên mua.

* Mua bán hóa đơn trái phép vẫn diễn biến phức tạp

Tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Nam, Phòng tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, hóa đơn dùng để sử dụng kê khai khấu trừ chi phí phải là hóa đơn hợp pháp. Trong trường hợp cơ quan chức năng có kết luận doanh nghiệp sử dụng hoá đơn không hợp pháp, sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Tuy nhiên, hành vi mua bán hoá đơn bất hợp pháp cũng được chia thành 2 loại, nếu sử dụng hoá đơn không hợp pháp do lỗi người bán, thì doanh nghiệp chỉ bị xử phạt nhẹ; còn trường hợp xác định là “tiếp tay” thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn và hóa đơn của công ty “ma” đang là vấn đề nóng ở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay.

Trường hợp sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh như Công ty Daikin Việt Nam, ông Dũng cho biết, cơ quan thuế xác định có 2 trường hợp, có thể do yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Trường hợp do yếu tố khách quan, có thể do bên bán khi đổi địa chỉ kinh doanh chưa kịp khai báo với cơ quan thuế. Khi cơ quan thuế xuống xác minh địa điểm thì không tồn tại, dù bên bán vẫn đang hoạt động ở đâu đó. Vì vậy, khi mua hàng đối với những doanh nghiệp trên trong thời gian này, hóa đơn sẽ được xác định là không hợp pháp. Người mua cần chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

Còn trong trường hợp bên bán đã được cơ quan chức năng kết luận là mua bán hóa đơn, chắc chắn bên mua vẫn bị xử lý về hành vi trốn thuế, bởi các doanh nghiệp này lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, không có hàng hóa dịch vụ gì.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn đang diễn ra rất phức tạp, dù cơ quan thuế đã có cảnh báo. Nhiều doanh nghiệp được thành lập bằng cách lấy cắp thông tin căn cước công dân, hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động. Thậm chí, có trường hợp vừa thành lập và đăng ký sử dụng hóa đơn, vài ngày sau đã phát hành hàng trăm ngàn hóa đơn. Do đó, khi phát hiện trên ứng dụng, cơ quan thuế phải dừng hoạt động ngay lập tức.

Về câu hỏi làm thế nào để biết và tránh các doanh nghiệp “ma” mua bán hoá đơn bất hợp pháp, lãnh đạo Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp cần có biện pháp quản trị bộ phận chịu trách nhiệm hoạt động mua bán. Bởi có nhiều trường hợp nhân viên tham rẻ, dẫn đến hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Thực tế cũng cho thấy vẫn có cung và cầu, vẫn có người mua hóa đơn để hợp thức hàng hóa.

“Để phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc xảy ra, bản thân các doanh nghiệp phải có quy trình kiểm soát nội bộ, quy trách nhiệm cho cá nhân phụ trách. Việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp không chỉ bị xử phạt về hành vi trốn thuế mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cá nhân trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên”, đại diện Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục