Doanh nghiệp Malaysia sẵn sàng ứng phó nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại

07:30' - 06/11/2021
BNEWS Các doanh nghiệp Malaysia sẵn sàng ứng phó nếu dịch COVID-19 tái bùng phát trong khi chuyên gia cảnh báo các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có thể tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia Chin Chee Seong, các doanh nghiệp nước này đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát khi đã rút ra được các bài học kinh nghiệp từ các đợt bùng phát vừa qua.

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Malaysia vào đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này đã phản ứng nhanh chóng mà không có bất kỳ kế hoạch nào. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác khi các doanh nghiệp đã có cơ hội rút kinh nghiệm từ ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa, điều này cho phép doanh nghiệp có khả năng phản ứng nhanh chóng và quyết đoán hơn khi đối mặt với khủng hoảng.

Ông Chin Chee Seong cho hay các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với khả năng dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại. Ông nói: “Chúng tôi đã trải qua tất cả những kinh nghiệm, cũng như những bài học và điều này chắc chắn khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn”.

Doanh nhân này khẳng định, không có bất kỳ doanh nghiệp nào tại Malaysia muốn đối mặt với việc dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại, tuy nhiên khi không có lựa chọn nào khác, họ mong muốn chính phủ nước này có thể thực hiện các tiếp cận có mục tiêu thay vì tiếp tục đưa ra các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.

Giới kinh doanh đều cảm thấy các doanh nghiệp không đủ khả năng để đối mặt với một đợt phong tỏa khác, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống. Thực tế, nếu thêm một đợt phong tỏa tiếp theo, các doanh nghiệp này sẽ phá sản và đóng cửa hoàn toàn, không có khả năng hồi phục.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia khuyến nghị chính phủ nên thực hiện một cách tiếp cận có mục tiêu như thực hiện phong tỏa trong một tòa nhà cụ thể có các ca mắc COVID-19 thay vì khóa toàn bộ quận hoặc khu vực.

Ông cũng nhấn mạnh hiện Malaysia đã chuyển sang giai đoan phục hồi tiếp theo và là thời điểm để mở rộng hoạt động kinh doanh, tận dụng điều kiện thuận lợi từ các cơ hội mới trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Điều này gồm việc tiến hành đánh giá sau quá trình ứng phó thực tế nhằm thu thập dữ liệu và có được hiểu biết, nhận thức sâu sắc hơn về các bài học thu rút ra cũng như cách thức ứng dụng, qua đó tăng giá trị doanh nghiệp và xây dựng khả năng phục hồi chiến lược cho tương lai.

Thực tế các doanh nghiệp đang thực hiện các bước trên sẽ có thể xử lý các cuộc khủng hoảng sắp tới một cách hiệu quả hơn, cũng như khôi phục được sự ổn định và an toàn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chin Chee Seong kêu gọi các doanh nghiệp không cần phải lo lắng về việc đối mặt với các thách thức khác khi đã bắt đầu nhìn thấy niềm tin của khách hàng được tăng cường.

Mặc dù bày tỏ hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát nhưng ông Chin Chê Seong cũng tự tin khẳng định kể cả khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn, cộng đồng doanh nghiệp nước này sẽ học cách sống chung với dại dịch và tìm cách vượt qua các thách thức.

Hiện tại Malaysia đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực kinh tế theo Kế hoạch phục hồi quốc gia khi chính phủ nước này đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Đáng chú ý, quốc gia Đông Nam Á đã nới lỏng hạn chế đi lại cho những người hoàn thành chương trình tiêm chủng sau khi đạt được mục tiêu 90% người trưởng thành hoàn thành việc tiêm vaccine.

Cùng với đó, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cũng khẳng định việc việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch không còn khả thi khi có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần.

Trong khi đó, Giáo sư Ahmed Razman Abdul Latiff, giảng viên tại Trường Kinh doanh Putra (Malaysia) cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần có quỹ khẩn cấp để chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào xảy ra mà không chỉ trường hợp các ca mắc COVID-19 tái gia tăng trở lại.

Ngoài đại dịch, thế giới cũng đang phải đối mặt với vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa nền kinh tế khiến nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ tăng. Theo ông, các doanh nghiệp Malaysia và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu dồi dào từ nhiều nguồn khác nhau cũng như đủ nhân công, cho phép khai thác năng lực dự trữ trong trường hợp chi phí nguyên vật liệu tăng đột ngột do chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn.

Đánh giá về khả năng ứng phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19, giáo sư Ahmed Razman nhận định các doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại nếu chính phủ không đóng cửa hoặc phong tỏa đất nước.

Ông cũng tin tưởng Chính phủ Malaysia sẽ không phong tỏa chặt chẽ khi dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ trở lại do khi gần 96% người trưởng thành đã hoàn thành chương trình tiêm chủng trong khi con số này đạt gần 70% đối với trẻ vị thành niên (12-17 tuổi).

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Camerlo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục thị trường Malaysia (CME) cho rằng chính phủ nước này cần rút ra bài học kinh nghiệm trong kiểm soát và ứng phó với các đợt dịch bệnh bùng phát trước đây. Theo chuyên gia này, các đợt phong tỏa đã được đưa ra mà không dựa trên các luận cứ khoa học và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp và nghèo đói.

Tiến sỹ Ferlito nhấn mạnh, việc kìm hãm nền kinh tế không chỉ gây tốn kém về mặt kinh tế mà còn không mang lại bất kỳ lợi ích y tế. Cùng với đó, bất kỳ lệnh phong tỏa nào sẽ buộc chính phủ phải đầu tư nhiều hơn vào chính sách tài khóa mở rộng, dẫn tới nguy cơ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Tiến sỹ Camerlo khuyến nghị Chính phủ Malaysia cần tập trung chi tiêu để tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Giám đốc CME cũng khuyến cáo các doanh nghiệp có thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với hệ thống thông gió thích hợp và xét nghiệm nhanh hàng tuần tại nơi làm việc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục