Doanh nghiệp Mỹ lo lắng về tỷ giá

15:40' - 18/02/2025
BNEWS Đồng USD đã tăng giá mạnh trong sáu tháng qua và điều này tác động đáng kể đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp Mỹ trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh gần đây.

Từ những tập đoàn công nghệ khổng lồ đến các thương hiệu hướng đến người tiêu dùng đều đã đề cập đến những khó khăn do biến động tỷ giá hối đoái trong cả báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và dự báo kinh doanh trong tương lai.

 
Nhà phân tích David Kostin của ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo gửi tới khách hàng tuần trước rằng, song song với đà tăng của đồng USD, tỷ lệ các công ty có tên trong chỉ số S&P 500 đề cập đến vấn đề tỷ giá trong các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý IV đã gia tăng.

Theo lịch sử, đồng USD mạnh thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty có phần lớn hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, do việc chuyển đổi tỷ giá hối đoái không thuận lợi.

Các công ty công nghệ có vốn hóa lớn tạo ra một lượng doanh thu đáng kể ở thị trường quốc tế. Tập đoàn Apple báo cáo rằng khoảng 58% tổng doanh thu của họ đến từ doanh số bán hàng quốc tế trong quý gần nhất. Tỷ lệ doanh số bán hàng ở nước ngoài của các "ông lớn" khác, bao gồm Alphabet, Microsoft, Tesla, Meta cũng đạt mức khoảng 50% trở lên trong năm 2024.

Hầu hết các doanh nghiệp trên đều đưa ra những cảnh báo liên quan đến sức mạnh của đồng USD trong các thông cáo báo chí và cuộc họp báo cáo thu nhập. Ngay cả tập đoàn Amazon, vốn chỉ tạo ra hơn 23% doanh thu ở nước ngoài trong quý gần nhất, cũng báo cáo mức thiệt hại ước tính lên tới 900 triệu USD do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. Đại diện Amazon cho biết, con số này cao hơn khoảng 700 triệu USD so với dự kiến ban đầu.

Do đó, Amazon dự kiến doanh thu trong quý I/2025 chỉ tăng trưởng trong khoảng từ 5% đến 9%, và đây sẽ là quý có mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong lịch sử. Dự báo này bao gồm một tác động bất lợi lớn bất thường, ước tính khoảng 2,1 tỷ USD từ tỷ giá hối đoái.

Không chỉ các công ty công nghệ chịu tác động, tập đoàn McDonald's dự kiến tỷ giá hối đoái sẽ là một yếu tố cản trở lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong cả năm 2025. Tương tự, tập đoàn Coca-Cola cũng dự báo mức tăng trưởng EPS tương đương sẽ giảm từ 6% đến 7% do tác động tiêu cực của tỷ giá. Trong khi đó, tập đoàn Johnson & Johnson dự báo doanh số bán hàng cả năm sẽ giảm 1,7 tỷ USD.

Giá trị của đồng USD tăng lên phần lớn là do hai yếu tố chính: việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lại chính sách nới lỏng tiền tệ trong tương lai, dựa trên dữ liệu kinh tế mạnh mẽ.

Sau khi chạm đáy vào tháng Chín, chỉ số USD đã tăng hơn 7% và đang dao động gần mức cao nhất trong hai năm qua.

Các chính sách mà ông Trump đề xuất, bao gồm áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm thuế cho các tập đoàn, và hạn chế nhập cư, đã thúc đẩy sự lạc quan đối với đồng USD. Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng phần lớn những chính sách này, đặc biệt là kế hoạch áp thuế của ông Trump, sẽ dẫn đến lạm phát gia tăng và buộc Fed phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều này cho thấy xu hướng tăng giá của đồng USD vẫn sẽ tiếp diễn.

Goldman Sachs nhận định sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, lợi nhuận từ tài sản ở Mỹ ở mức tốt, và nguy cơ áp thuế đã hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng USD vào cuối năm 2024 và đầu năm nay. Goldman Sachs dự báo đồng USD sẽ tăng giá thêm 3% trong vòng 12 tháng tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục