Doanh nghiệp Mỹ tổn thất thế nào khi giá dầu xuống mức âm?

11:11' - 21/04/2020
BNEWS Thị trường dầu mỏ bắt đầu một tuần mới ảm đạm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 của Mỹ giảm xuống mức -37,63 USD/thùng chốt phiên ngày 20/4.

Thị trường dầu mỏ bắt đầu một tuần mới ảm đạm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ với mức giảm chưa từng thấy trong lịch sử khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 của Mỹ giảm xuống mức -37,63 USD/thùng chốt phiên ngày 20/4. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà kinh doanh sẵn sàng trả tiền để khách hàng mua dầu của họ.

Mức giá âm nói trên cùng với tình trạng hỗn loạn diễn ra liên tục trên thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây cho thấy những hàng hóa quan trọng trên thế giới đang nhanh chóng mất đi giá trị khi tình trạng nguồn cung dư thừa áp đảo nhu cầu giảm mạnh. Các nguyên nhân chủ yếu là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên khắp các nước trên thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng tích trữ chờ giá dầu cao hơn vào cuối năm khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ đang dự trữ dầu thô với hy vọng rằng họ có thể bán với giá cao hơn. Tuy nhiên, khi không còn khả năng lưu trữ, họ buộc phải bán dầu với giá rẻ khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng giao vào tháng Năm. Giá dầu của các hợp đồng giao tháng 6/2020 vẫn là 21,40 USD/thùng và trong tháng Tám là 29,15 USD/thùng. Ở các thị trường khác, giá dầu thô Brent là giá chuẩn tại thị trường châu Âu dù giảm mạnh, nhưng kết thúc phiên giao dịch 20/4 cũng vẫn ở mức trên 25 USD/thùng.

Vấn đề lớn hiện nay chính là sự chênh lệch giữa cung và cầu. Viện Dầu khí Mỹ (API) ước tính sản lượng dầu toàn cầu vẫn còn khoảng 100 triệu thùng/ngày, song nhu cầu đã giảm xuống 70 triệu thùng/ngày. Cũng theo ước tính của API, khả năng lưu trữ của Mỹ là khoảng 825 triệu thùng và lưu trữ thực tế trước đây chưa bao giờ vượt quá 500 triệu thùng. Hiện vẫn có kho lưu trữ tối đa 100 triệu thùng.

Như vậy, áp lực giảm giá sẽ diễn ra trong nhiều tuần hoặc lâu hơn cho đến khi đại dịch được kiểm soát và kinh tế tăng trưởng trở lại. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà Tổng thống Donald Trump đã đạt được gần đây với Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác sẽ giúp giảm bớt nguồn cung dư thừa, song thỏa thuận này chỉ bắt đầu từ ngày 1/5. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng phụ thuộc vào các cam kết tự nguyện, và trong mọi trường hợp, không có thỏa thuận sản xuất nào có thể hoàn toàn bù đắp được sự sụt giảm mạnh nhu cầu trên toàn cầu.

Theo kế hoạch, Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, ngày 21/4 sẽ có cuộc họp để xem xét hạn ngạch sản xuất đã được áp đặt từ những năm 1970. Hạn ngạch đang được thúc đẩy bởi một số nhà sản xuất dầu đá phiến hàng đầu như Pioneer và Parsley.

Tuy nhiên, cũng không chắc chắn việc sản xuất ít dầu hơn ở Texas sẽ có tác động đến giá dầu toàn cầu tại thời điểm này và nhà kinh tế Dean Foreman của API nhận định rằng điều này sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Theo đó, các hạn ngạch sẽ áp dụng cho tất cả các công ty và có thể phải kéo dài lâu hơn thời gian dự kiến của các nhà sản xuất dầu trừ khi sớm có sự tăng giá trở lại.

Điều này báo hiệu những tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ, các ngân hàng lớn và các cơ quan quản lý sẽ phải theo dõi các khoản lỗ giao dịch ngân hàng bên cạnh các khoản lỗ sắp tới từ các khoản vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất dầu. Số lượng giàn khoan trong ngành sản xuất dầu mỏ sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 hoặc tệ hơn. Nhiều nhà sản xuất lớn có thể tránh phải bán dầu với giá thấp ít nhất trong vài tháng, song những nhà sản xuất dầu nhỏ mà vay nợ nhiều có thể sẽ bị phá sản.

Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều yêu cầu tăng thuế đối với dầu nhập khẩu để giúp các nhà sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, dầu nước ngoài hiện đang được nhập khẩu, bởi các nhà máy lọc dầu của Mỹ được trang bị để xử lý dầu thô nước ngoài nhiều hơn là loại được sản xuất trong nước. Vì vậy, thuế quan cũng sẽ làm tăng giá dầu ở Mỹ so với các nước trên thế giới và điều này sẽ làm tổn thương các ngành công nghiệp tiêu thụ dầu của Mỹ.

Đây chỉ là một ví dụ về thiệt hại kinh tế đang xảy ra trên khắp nước Mỹ khi nền kinh tế tiếp tục đóng cửa. Hiện chính phủ liên bang đang hỗ trợ tiền mặt nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Một số công ty dầu mỏ có thể sử dụng các khoản vay của chương trình hỗ trợ tiền lương hoặc gói kích thích tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương). Tuy nhiên, tình trạng này càng kéo dài thì doanh nghiệp sẽ càng chịu tổn thất trong nhiều năm. Nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trở lại khi tăng trưởng toàn cầu phục hồi và triển vọng này cần diễn ra càng sớm càng tốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục