Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng Ấn Độ tìm cơ hội tại thị trường Việt Nam

14:56' - 23/08/2022
BNEWS Tính đến 20/6/2022, Ấn Độ đứng thứ 24 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 328 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Nhằm tăng cường cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Công ty Emerald Worldwide Connections (Ấn Độ) tổ chức Chương trình giao lưu thương mại Việt Nam - Ấn Độ và giới thiệu Triển lãm chuyên ngành vật liệu xây dựng Ceramics & Bath Industry Show (CBIS), tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/8.

 

Theo ông Vishal Acharya, đại diện Công ty Emerald Worldwide Connections (Ấn Độ) - đơn vị tổ chức chuyên nghiệp các triển lãm quốc tế vật liệu xây dựng, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, ngoài hoạt động xuất nhập khẩu, họ còn mong muốn mở cơ sở sản xuất hoặc hợp tác đầu tư nhà máy tại Việt Nam. 

Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ mở rộng quan hệ đối tác, thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ở lĩnh vực, sản phẩm gạch ceramic các loại lát sàn, ốp tường, trang trí, thiết bị vệ sinh, phòng tắm…

Ngoài ra, Triển lãm chuyên ngành vật liệu xây dựng Ceramics & Bath Industry Show (CBIS) tại Ấn Độ dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2023 là một điểm đến thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ doanh nghiệp Ấn Độ và toàn cầu.

Với quy mô là triển lãm hàng đầu của Ấn Độ và khu vực trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, CBIS quy tụ đơn vị sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối đầu ngành trên toàn cầu.

Ông Vishal Acharya cho biết thêm, Ban tổ chức mong muốn và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia CBIS, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đầu tư, giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Tại CBIS, ngoài cập nhật thông tin về sản phẩm, công nghệ, thị trường, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, cũng như hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham quan, khảo sát nhà máy sản xuất, giao thương trực tiếp với doanh nghiệp các nước...

Trong suốt những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, hậu COVID-19 được đánh giá là giai đoạn “vàng” để Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh, sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ lại có cơ hội tiếp xúc trao đổi trực tiếp với nhau.

Qua phiên kết nối này, doanh nghiệp hai nước cần tận dụng điều kiện thuận lợi tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trong thời gian tới.

Việt Nam và Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Ấn Độ đang không ngừng nỗ lực tăng cường hợp tác hơn nữa trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau.

Tính đến 20/6/2022, Ấn Độ đứng thứ 24 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 328 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, nông sản...

Về thương mại, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, ngược lại Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục