Doanh nghiệp Nhật Bản mắc kẹt giữa hai cường quốc

05:30' - 01/06/2024
BNEWS Cạnh tranh Mỹ-Trung đang khiến các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng lo lắng về những rủi ro cho sự hồi sinh của các công ty.

Theo tờ The Economist, trong khoảng một thập kỷ qua, tỷ suất lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đã tăng gấp đôi. Nhờ lợi nhuận cao, các công ty Nhật Bản đang "hào phóng" tăng tiền trả cho chủ sở hữu dưới hình thức cổ tức và mua lại cổ phiếu như họ từng làm cách đây 10 năm.

Sự thay đổi thân thiện với cổ đông trong quản trị doanh nghiệp một lần nữa đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản. Nikkei 225, chỉ số theo dõi giá trị của các công ty niêm yết lớn nhất Nhật Bản, sau nhiều thập kỷ suy yếu, đã tăng 25% trong năm qua. Vào tháng Hai, chỉ số này đã vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 1989, ngay trước khi "bong bóng Nhật Bản" vỡ tung.

Phần lớn thành công này phản ánh sự chuyển đổi của hệ thống kinh tế tập trung cao độ, hiện đại và chiến lược phát triển tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản (Japan Inc) trong 35 năm qua.

Đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế trong nước do thị trường chứng khoán sụp đổ và dân số già đi, các “gã khổng lồ” công nghiệp Nhật Bản đã dành vài thập kỷ qua để tìm kiếm tăng trưởng ở nước ngoài. Năm 1996, các công ty con ở nước ngoài chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của những nhà sản xuất Nhật Bản. Nhưng năm ngoái con số đó đạt mức cao kỷ lục là 29%.

Hai thị trường là trung tâm của làn sóng mở rộng toàn cầu này là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ từ lâu là điểm đến lớn nhất của các nhà sản xuất Nhật Bản, trong khi Trung Quốc chiếm thị phần đầu tư ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nhìn chung, hơn một nửa tổng doanh thu của những công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản đến từ một trong hai siêu cường.

Do đó, cạnh tranh Mỹ-Trung đang khiến các giám đốc điều hành Nhật Bản ngày càng lo lắng về những rủi ro cho sự hồi sinh của các tập đoàn Nhật Bản.

 

Theo Good Jobs First, một cơ quan giám sát trợ cấp, Toyota và Panasonic nằm trong số các công ty đã nhận được hơn 1 tỷ USD tiền hỗ trợ cho mỗi công ty nhờ các nỗ lực của tiểu bang và liên bang nhằm vực dậy ngành sản xuất của Mỹ kể từ năm 2021. Đại sứ Mỹ tại Tokyo Rahm Emanuel đang bận rộn kêu gọi vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ thường xuyên đến Nhật Bản với hy vọng thu hút tiền và quá trình tạo việc làm cho các tiểu bang của họ. Để đổi lấy khoản đầu tư 8 tỷ USD của Toyota vào sản xuất pin, bang Bắc Carolina đã cung cấp cho công ty này hàng trăm triệu USD ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh mẽ của Mỹ đang làm tăng thêm sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến đầu tư cho các công ty Nhật Bản. Doanh thu các công ty con của họ ở Mỹ đã tăng mạnh trong hai năm qua.

Vào tháng 4/2024, Toyota và Nissan lần lượt hợp tác với Tencent và Baidu, hai “gã khổng lồ” kỹ thuật số Trung Quốc, trong nỗ lực phổ biến rộng rãi ô tô của họ đối với những người Trung Quốc đam mê công nghệ. Trong hai năm qua, thương mại hàng năm giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng khoảng 1/3 so với cuối những năm 2010.

Một vấn đề lớn đối với các công ty Nhật Bản có ý định ở lại Trung Quốc là Trung Quốc ngày càng có khả năng "tự lực cánh sinh" mà không cần Nhật Bản. Trong nhiều ngành công nghiệp, các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh với những đối thủ Nhật Bản.

Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp hóa chất ở Tokyo phàn nàn rằng các đối thủ Trung Quốc đã giành được lợi thế bằng cách mua năng lượng và nguyên liệu giá rẻ từ Nga, điều nằm ngoài giới hạn đối với các công ty Nhật Bản do các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga và Ukraine.

Nhưng chi phí không phải là ưu điểm duy nhất của các công ty Trung Quốc. Nhiều công ty đang cung cấp các sản phẩm ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong các lĩnh vực từng do Nhật Bản dẫn đầu, như tự động hóa công nghiệp, pin, sản xuất ô tô và điện tử.

Ô tô Trung Quốc, nhất là xe điện, đã vượt xa ô tô Nhật Bản không chỉ ở thị trường nội địa mà còn ở các thị trường châu Á khác. “Gã khổng lồ” về pin của Trung Quốc CATL tiến nhanh honw các đối thủ Nhật Bản như Panasonic.

Vào tháng 2/2024, ông Junta Tsujinaga, Giám đốc điều hành nhà sản xuất robot công nghiệp Omron của Nhật Bản, than thở rằng công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn từ các đối thủ địa phương ở Trung Quốc và sẽ cắt giảm 2.000 việc làm trên toàn cầu trong năm nay.

Các công ty bán dẫn tiên tiến của Nhật Bản có thể là đối tượng tiếp theo. Khi Mỹ thắt chặt các hạn chế trong việc bán công nghệ tiên tiến, Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về những thứ như chất bán dẫn (chip), cũng như các vật liệu và công cụ để sản xuất chúng.

Theo nhà môi giới Bernstein, thị phần nội địa của các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc dùng trong sản xuất chip đã tăng từ 4% năm 2019 lên khoảng 14% vào năm ngoái. Đây là mối lo ngại đối với các nhà vô địch ngành công nghiệp chip Nhật Bản như Tokyo Electron, nhà sản xuất thiết bị xử lý tấm silicon và công ty có giá trị thứ tư của Nhật Bản, tạo ra gần một nửa tổng doanh số bán hàng tại Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát đối với các công ty lớn của Nhật Bản do Viện Kinh tế địa cầu ở Tokyo cho thấy 38% công ty đã thành lập các bộ phận an ninh-kinh tế. Các bộ phận này thường báo cáo trực tiếp cho thành viên hội đồng quản trị, giám sát các rủi ro chính trị đối với hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty. Nhiều công ty lớn đặc biệt hứng chịu những cơn gió địa chính trị đang nhận được tiền từ Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ những nỗ lực đó.

Chính phủ và doanh nghiệp ở Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc duy trì mối quan hệ kinh tế quan trọng với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Trả lời phỏng vấn của trang Nikkei Asia ngày 23/5, ông Chey Tae-won, Chủ tịch tập đoàn kinh doanh chip nhớ hàng đầu của Hàn Quốc SK cho biết công ty sẽ mở rộng hợp tác với các công ty bán dẫn Nhật Bản. TSMC, “gã khổng lồ” sản xuất bộ vi xử lý tiên tiến hàng đầu thế giới, đã mở nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng Hai và công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại đây.

Thế giới bên ngoài ngày càng khó lường cũng đang khiến một số công ty Nhật Bản phải rút lui về trong nước. Trong khi tiền lương trong ngành sản xuất ở Trung Quốc tăng, tốc độ tăng trưởng chậm chạp của Nhật Bản đã khiến việc đưa sản xuất về trong nước tương đối rẻ hơn so với trước đây. Chính phủ cũng đã cấp những khoản trợ cấp khiêm tốn cho hàng trăm công ty trong các ngành được coi là nhạy cảm, như linh kiện máy bay, thiết bị y tế và khoáng sản đất hiếm.   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục