Doanh nghiệp phát triển bền vững trong thập niên mới

10:31' - 10/12/2020
BNEWS Thế giới đang trở nên "mỏng manh" trước yêu cầu của sự phát triển bền vững. Để thực hiện các mục tiêu cam kết với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn và kiên định với con đường đã chọn.

Sáng 10/12 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp 2020 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”.

Sự kiện được sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng hơn 350 đại biểu từ các bộ, ngành, các tổ chức trong nước, quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.

Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; thiên tai dồn dập; chiến tranh thương mại còn căng thẳng...Thế giới đang trở nên mỏng manh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ trước yêu cầu của sự phát triển bền vững.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương để triển khai nhiều quyết sách kịp thời, chính xác đối phó với dịch bệnh và sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã trở thành 1 trong số những quốc gia ít ỏi trên toàn thế giới thực hiện được mục tiêu kép thành công là vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng ở mức từ 2-3% dù cho ở thời điểm này. Trong khi đó, xu thế chung của toàn cầu là các nền kinh tế đang suy giảm rất sâu, thậm chí có thể còn suy giảm tới mức âm 5,2 % trong năm nay.

Thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia như Chương trình nghị sự 2030 phát triển bền vững để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021; Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; các Nghị quyết như 01, 02 của Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh...cũng như nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã trở thành những bước định hình cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Đáng mừng là Việt Nam đã về sớm trong một số chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển bền vững, chỉ đứng sau Thái Lan. 

Việt Nam đang kiên định trên con đường phát triển bền vững. Kết quả một cuộc khảo sát độc lập do VCCI vừa tiến hành đã cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa việc thực hiện Bộ chỉ số về phát triển bền vững khi doanh nghiệp thực hiện tốt quản trị bền vững, minh bạch thông tin và có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường với những kết quả đạt được về sản xuất kinh doanh.

Những doanh nghiệp nào áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững sẽ đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động đạt cao hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có tới 60 % doanh nghiệp cho biết họ đã làm tốt hơn khi thực hiện Bộ chỉ số về phát triển bền vững. Trong khi đó, chỉ có 27%  doanh nghiệp trong nhóm không thực hiện Bộ chỉ số, bày tỏ sự tự tin về điều này. 

Thực tiễn câu chuyện kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đã cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác. Định hướng phát triển bền vững thường đem lại sự chủ động tốt hơn, thậm chí trong bối cảnh khó khăn đã có không ít doanh nghiệp đạt được sự thành công và trụ vững hoạt động trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Có nhiều doanh nghiệp còn tìm ra được cơ hội bứt phá, vượt lên khó khăn để không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động mà còn mở rộng thị trường, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Cũng tại diễn đàn, Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ được vinh danh chính là những ví dụ điển hình. Họ thực sự là tấm gương sáng minh chứng cho khả năng chống chịu và sự kiên cường của cộng đồng Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn mới thấy rõ cốt cách Việt Nam, sự kiên cường và khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại bừng dậy.

Cũng tại diễn đàn, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định: “Chúng ta không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững nếu thiếu doanh nghiệp và sẽ không có doanh nghiệp nếu không đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu với trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD vào năm 2030”.

Các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh COVID-19, UNDP đang tích cực phối hợp với các đối tác, bao gồm các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ  đã giúp các doanh nghiệp hoạt động ‘xanh hơn, sạch hơn, phục hồi và ứng phó tốt hơn’ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thập kỷ hành động đến năm 2030.

Trong phần trình bày “Hướng đến một cộng đồng thịnh vượng trong một thế giới đầy biến động”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, nhấn mạnh: “Năm 2020 là năm nhiều thách thức và biến động. Đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu nhắc nhở chúng ta rằng thế giới chúng ta đang sống dễ bị tổn thương và có tính liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác vì sự phát triển bền vững nhằm đem đến sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho toàn xã hội. Chúng tôi muốn truyền cảm hứng, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức và thực thi vai trò của mình. Ngoài các cam kết và sáng kiến phát triển bền vững đang triển khai, Nestlé vừa công bố lộ trình cụ thể để giảm một nửa lượng phát thải carbon trong năm 2030 tiến tới loại bỏ hoàn toàn phát thải năm 2050. Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng các đối tác đạt được mục tiêu này”./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục