Doanh nghiệp tăng chất lượng gạo để vào thị trường EU

06:58' - 03/09/2020
BNEWS Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh Long An đã không ngừng nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm vào thị trường EU.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực và theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm, với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm; đồng thời, xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh Long An phấn khởi và không ngừng nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm vào thị trường, vốn rất khó tính.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực-Thực phẩm Long An (thành phố Tân An) cho biết, bà rất phấn khởi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vì giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn, từ 10-20 UDS/tấn, tùy loại gạo.

Trong tháng 8, Công ty đã xuất 4 container (hơn 100 tấn) sang Đức, với giá 800 USD/tấn và chuẩn bị trong tháng 9 xuất thêm 4 container. Tuy nhiên theo bà Liên, để xuất sang EU đạt hiệu quả và lâu dài, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng nhiều hơn so với xuất sang các nước châu Á.

Cụ thể, doanh nghiệp buộc phải đầu tư nguồn nguyên liệu của mình và sử dụng hữu cơ. “Có như vậy, doanh nghiệp mới chủ động kiểm tra chất lượng lúa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không đầu tư nguồn nguyên liệu, mua lúa các loại thông thường tràn lan như trước đây, sẽ khó vào thị trường EU. Bên cạnh đó, lúa vừa thu hoạch không xay lúa liền, phải bảo quản 6 tháng và sau đó xuất khẩu gạo sẽ đảm bảo 100% về chất lượng, hàm lượng gạo”, bà Liên, cho biết thêm.

Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực- Thực phẩm Long An đang đầu tư hơn 1.000 ha lúa, ở các tỉnh Cà mau, Bạc Liêu và Đắk Lắk, với khoảng 7.000 tấn lúa (tương đương khoảng 3.600 tấn gạo), xuất sang EU. Dự kiến, năm sau Công ty sẽ xuất khoảng 5.000 tấn gạo và tiếp tục tăng sản lượng vào những năm tiếp theo.

Bà Đặng Thị Liên cũng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương,  ngoài mặt hàng gạo VD20 và Jasmine, nên đưa mặt hàng gạo ST vào danh mục xuất khẩu sang EU vì loại gạo này ít sâu bệnh, dẫn đến ít sử dụng hóa chất. Đồng thời, kiến nghị các Bộ cần xây dựng giá sàn để các doanh nghiệp căn cứ vào đó, bán sản phẩm được cao hơn.

Còn ông Nguyễn Thành Mười, Giám đốc Công ty TNHH Tân Đồng Tiến ( thành phố Tân An), cho biết, Hiệp định EVFTA là  cơ hội của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu vào các nước EU, và là sân chơi lớn về mặt hàng xuất khẩu gạo, nên giá trị hạt gạo của Việt Nam sẽ dần nâng cao vị thế.

Trước đây, công ty chưa tham gia vào EU vì thị trường vốn rất khó tính và thuế cao. Nhưng với hiệp định này, công ty sẽ chuẩn bị chu đáo về các điều kiện, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy kiểm dịch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… để có thể tham gia vào thị trường EU, vào những năm sau.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đang hào hứng về Hiệp định EVFTA  có hiệu, cũng có doanh nghiệp đang phân vân về thị trường này. Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ ( Thủ Thừa, Long An), thì về phía doanh nghiệp, chưa có động thái tham gia thị trường này.

Ông Hòa cho rằng, theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm, với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm. Tuy nhiên, nước ta không được phân bổ hạn ngạch. Hạn ngạch này, chỉ phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía EU, nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải chủ động liên hệ phía EU để giao dịch, chào bán. Điều này, làm cho ông ngần ngại.

Qua thống kê, tỉnh Long An có 26 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Năm 2019, xuất khẩu gạo đạt gần 645 nghìn tấn, 298,3 triệu USD. Trong 7 tháng năm 2020, Long An đã xuất khẩu được hơn  402 nghìn tấn gạo, giá trị 222,72 triệu USD. Trong đó, gạo đã xuất khẩu sang khoảng 40 nước, vùng, lãnh thổ như Philippines, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), châu Phi, Trung Quốc, Indonesia, Singapore,…

Riêng xuất khẩu sang châu Âu, Long An có 2 doanh nghiệp, nhưng sản lượng xuất khẩu rất ít. Trong 7 tháng năm 2020, tỉnh xuất sang EU chỉ khoảng khoảng hơn 100 tấn. Đây cũng là thị trường các doanh nghiệp trong tỉnh Long An chưa quan tâm nhiều. Nguyên nhân, các doanh nghiệp EU nhập  số lượng  gạo rất ít, nhưng  tiêu chuẩn và chất lượng rất cao.

Theo bà Dương Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, thị trường EU có yêu cầu rất cao về hàng hóa, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp của tỉnh phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về: chất lượng, bảo vệ môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Sở Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập vào thị trường EU; tham mưu triển khai thực hiện tốt các chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Công Thương về thực thi Hiệp Định trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối giao thương với nhau, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thâm nhập vào thị trường EU.

Cũng theo bà Dương Thị Lệ, hiện ngành đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp cần quan tâm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc hạt gạo. Đặc biệt, doanh nghiệp chú ý xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để được giá trị xuất khẩu ở mức tốt nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục