Doanh nghiệp thay đổi kế hoạch và chiến lược thực hiện mục tiêu kép

13:31' - 09/09/2021
BNEWS Để sống chung đại dịch, doanh nghiệp cần phát huy nội lực không chỉ phòng chống dịch hiệu quả mà còn đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng; duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh

Năm 2021, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tiếp tục tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 8 với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong khuôn khổ VCSF 2021, ngày 9/9, tại Hà Nội, VBCSD tổ chức hội thảo trực tuyến, chuyên đề số 1 “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” với sự tham gia của các diễn giả là lãnh đạo VCCI, Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều hiệp hội ngành nghề và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhận định, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực, thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược. Từ đó, đảm bảo mục tiêu kép cho doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng. Đồng thời, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững.

Ông Vinh cũng chia sẻ về sáng kiến thành lập “Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID–19" nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ về việc các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn.

Hội đồng sẽ là nơi tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp; kết nối các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức liên quan cùng VCCI để chung tay với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Đại diện WB tại Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp đã trình bày tham luận về “Triển vọng kinh tế toàn cầu và tác động đến Việt Nam”. Dẫn chứng Báo cáo của WB, bà Dorsati nhận định, trong phạm vi quốc gia, việc kiểm soát được dịch bệnh và đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022.

Cùng đó, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – những khu vực đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế, giúp tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại vào quý IV năm nay và GDP ước tăng khoảng 4,8% cả năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng và để giảm bớt các rủi ro ấy trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp khắc phục những hệ quả xã hội; cảnh giác với những rủi ro trong việc nợ xấu gia tăng và chuyển rủi ro từ nền kinh tế thực sang khu vực tài chính nhưng cũng cảnh giác với những rủi ro tài khóa.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI cho biết, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động sâu sắc lên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm đóng gói. Các doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Để vượt qua những thách thức này và duy trì hoạt động kinh doanh, từ góc nhìn của doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, đại diện Nestlé Việt Nam khuyến nghị các nhóm giải pháp như: ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu.

Cùng đó, trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình phòng chống COVID-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các quy định liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương và số hóa các thủ tục hành chính công. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục