Doanh nghiệp thủy sản chờ bứt tốc

16:52' - 12/12/2023
BNEWS Dù xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 11 vừa qua, song giới phân tích cho rằng, ngành thủy sản chưa thể bứt tốc trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo Giám đốc Truyền thông VASEP Lê Hằng, mặc dù, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 11 tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây chưa phải là tín hiệu cho sự phục hồi của thị trường bởi không có sự đột phá về doanh số so với những tháng trước. 

“Trên thực tế, 2 tháng cuối năm 2022 là giai đoạn xuất khẩu thủy sản lao dốc rơi xuống mức thấp nhất của năm. Bên cạnh đó, bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi phân khúc thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc”, Giám đốc truyền thông VASEP thông tin. 

Luỹ kế đến hết tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, vẫn giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với diễn biến này, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022, tương đương mức giảm 2 tỷ USD. 

Bức tranh tài chính gần nhất của ngành thủy sản cũng chưa mấy rõ ràng khi doanh nghiệp lỗ - lãi đan xen. 

Quý III/2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng giá vốn lên tới 1.609 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 184 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 89 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.  

Công ty Nam Việt cũng ghi nhận lãi trong quý III/2023, song giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, quý III/2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.098,8 tỷ đồng, song giá vốn hàng bán lại tăng lên 1.014 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 84,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp lãi 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 119,9 tỷ đồng. 

Trong khi đó, Công ty Vĩnh Hoàn chậm công bố báo cáo tài chính quý III/2023, nhưng theo kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 9 cho thấy, doanh thu đạt 877 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. 

Theo Vĩnh Hoàn, doanh thu tháng 9 dù giảm nhẹ so với cùng kỳ, có dấu hiệu hồi phục tại thị trường châu Âu và Trung Quốc, nhưng ngược lại các thị trường chủ lực như Mỹ, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận doanh thu giảm. 

Nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh trên có thể thấy, dù đang trên đà phục hồi nhưng doanh nghiệp thủy sản chưa thể bứt tốc trong thời gian tới. 

Trên thị trường chung, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 11 do Standard & Poor’s Global (S&P Global) công bố tiếp tục dưới 50 điểm, thậm chí giảm 2,3 điểm so với tháng trước cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể của ngành sản xuất vẫn tiếp tục suy giảm. 

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global, nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước đã khiến ngành sản xuất Việt Nam có sự suy giảm trong tháng 11. Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty đã giảm sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng; đồng thời, cũng hạn chế lượng hàng tồn kho. 

Trước đó, Giám đốc Truyền thông VASEP phân tích, tại thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Mỹ, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu từ Mỹ Latinh do chi phí hậu cần thấp hơn. Mức độ lạm phát đang giảm ở tất cả nước lớn ở châu Âu, tuy nhiên các thương nhân khu vực này chưa bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm vẫn yếu. 

Về phía doanh nghiệp, tuy không đưa ra lý do cụ thể, song Thực phẩm Sao Ta đã công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Sau điều chỉnh, chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 4.870 tỷ đồng, giảm 25% so với mức kế hoạch cũ (5.900 tỷ đồng). Tương ứng, lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu 400 tỷ đồng ban đầu xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt 278 tỷ đồng. 

Trong dài hạn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam vẫn kỳ vọng, ngành thủy sản sẽ phục hồi vào năm 2024 khi hàng tồn kho của các thị trường giảm, từ đó đẩy giá xuất khẩu và gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp trong nước. 

Đơn cử với ngành hàng cá tra, chuyên viên phân tích Ngô Diễm ước tính, giá mặt hàng này xuất khẩu trung bình sang Mỹ cả năm 2023 sẽ ở mức 3,2 USD/kg và năm 2024 sẽ ở mức 3,8 USD/kg dựa trên kỳ vọng hàng tồn kho ở thị trường Mỹ giảm và nhu cầu quay trở lại. 

Trước đó, giá cá tra xuất khẩu đi Mỹ đã có mức giảm sâu kể từ tháng 10/2022, kéo dài đà giảm sang quý III/2023. Hiện nay tồn kho của thị trường Mỹ còn cao dẫn đến việc xuất khẩu sang Mỹ vẫn dự báo bị trì trệ trong quý này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục