Doanh nghiệp tìm cách thích ứng với giá điện tăng

11:52' - 26/04/2019
BNEWS Giá điện tăng thời gian qua không chỉ khiến người dân quan tâm mà nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Tp. Hồ Chí Minh cũng nhiều băn khoăn tìm giải pháp thích ứng.
Giá điện tăng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tìm cách thích nghi để giảm chi phí. Ảnh minh họa: TTXVN

Bà Lê Ngọc Bích, Phó Giám đốc Công ty TNHH nhựa Đồng Tâm cho biết, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu hết đang sử dụng công nghệ sản xuất cũ, mức độ tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng là rất lớn nên khi giá điện tăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất.

Trong 5 năm gần đây các sản phẩm ngành nhựa hầu như không tăng được giá bán mà còn phải thường xuyên chạy các chương trình khuyến mãi để duy trì thị phần. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu, chi phí lao động liên tục tăng khiến lợi nhuận giảm đáng kể.

Với việc tăng giá điện và tăng cao vào các khung giờ cao điểm thì doanh nghiệp muốn giảm chi phí tiền điện phải tăng ca sản xuất vào giờ thấp điểm và ca đêm. Nhưng giải pháp này cũng không khả quan vì rất khó để yêu cầu công nhân làm ca đêm. Nếu tăng ca sản xuất làm đêm, giảm được chi phí tiền điện thì phải tăng tiền lương tăng ca.

Trước khi giá điện tăng, mỗi tháng chi phí tiền điện của công ty là khoảng 300 triệu đồng, hiện nay đang là thấp điểm sản xuất nên chênh lệch tiền điện do tăng giá điện chưa cao nhưng với mức giá điện mới khi vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm thì dự báo chi phí tiền điện có thể tăng lên gấp đôi so với hiện nay.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp Hội dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong ngành dệt may thì các doanh nghiệp dệt nhuộm chịu ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp may do sử dụng nhiều điện hơn.

Mặc dù chi phí tiền điện chỉ chiếm khoảng vài phần trăm trong tổng chi phí sản xuất hàng may mặc nhưng việc tăng giá điện khiến các chi phí khác cũng tăng theo.

Cụ thể, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, cước phí vận chuyển tăng, chi phí bao bì, đóng gói cũng tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, trong khi nếu tăng giá bán thì khó cạnh tranh. Thêm vào đó, giá điện tăng khiến cho chi phí sinh hoạt của người lao động tăng, doanh nghiệp lại phải tìm cách hỗ trợ để giữ chân công nhân.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, để giảm thiểu chi phí tiền điện, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tự xoay sở bằng cách tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện. Giờ nghỉ trưa, công nhân được yêu cầu tắt hết điện ở xưởng may, tắt tất cả thiết bị điện khi không cần thiết. Do giá điện trong giờ cao điểm cao hơn 3 lần so với giờ thấp điểm nên doanh nghiệp khuyến khích công nhân nâng cao năng suất làm việc trong giờ thấp điểm, hạn chế tăng ca vào giờ cao điểm.

Có thể thấy, giá điện tăng khiến các doanh nghiệp băn khoăn và giải pháp trước mắt vẫn là sử dụng điện một các tiết kiệm. Chủ động hơn, một số doanh nghiệp như Công ty vật liệu xây dựng Sư Tử Biển thì có những giải pháp từ trước khi giá điện tăng.

Cụ thể, dự báo được tình hình, đầu năm 2018, ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty vật liệu xây dựng Sư Tử Biển đã đầu tư trang thiết bị điện năng lượng mặt trời hơn 400 triệu đồng. Tổng công suất điện năng lượng đạt 16 kW và có thể tạo ra sản lượng điện bình quân 80 kW/ngày, trong khi doanh nghiệp chỉ sử dụng bình quân 90 kW/ngày (tự cung cấp trên 80% sản lượng điện tiêu thụ).

Theo tính toán của ông Tâm, hiệu quả đầu tư điện năng lượng mặt trời sẽ hồi vốn sau 6 năm. Trong thời điểm hiện nay, thiết bị điện năng lượng mặt trời ngày càng rẻ và chất lượng hơn, bên cạnh đó giá điện tăng sẽ góp phần cho việc thu hồi vốn nhanh và hiệu quả hơn.

Ông Tâm cũng cho rằng, nếu ngành điện có cơ chế mua – bán điện cụ thể cho hộ gia đình hay đơn vị đầu tư thì ông tiếp tục đầu tư đạt tương đương 100% sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng, ông cũng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa để bán điện lại cho ngành điện khi có cơ chế chính sách cụ thể. Nếu đồng lòng cùng thực hiện giải pháp này, các doanh nghiệp, hộ gia đình không chỉ mang lại lợi ích cho chính mình, cải thiện môi trường mà còn góp phần làm giảm tải cho ngành điện.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, tăng cường sử dụng điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả góp phần ổn định sản xuất, phát triển doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện ít nhất bằng 1% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó.

Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng TTC (Thành Thành Công Energy) giới thiệu về năng lượng tái tạo, phân tích tình hình điện lưới quốc gia, xu hướng năng lượng sạch hiện nay; điện mặt trời mái nhà, giải pháp xanh – sạch – tiết kiệm cho lĩnh vực công – thương nghiệp.

Hiện TTC Energy đã hoàn tất việc đóng điện và đưa vào hoạt động nhiều công trình điện mặt trời mái nhà ở trong và ngoài khu chế xuất, công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, Khu chế xuất Linh Trung, Trung tâm thương mại Sense City, Khu vui chơi giải trí Đầm Sen, Nhà máy Việt Long Hưng… với tổng công suất 15MWp và tiết giảm hơn 20.000 tấn CO2 thải ra môi trường.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, thời gian qua, lượng điện mặt trời phát lên lưới chỉ được ghi nhận chứ chưa có cơ sở thanh toán vì vướng thủ tục. Hiện Bộ Công Thương đã có hướng dẫn về việc mua bán điện mặt trời.

Cụ thể các hợp đồng mua bán điện mặt trời vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019 là 9,35 Cents/kWh, thời hạn hợp đồng có giá trị 20 năm. Tuy nhiên, do chênh lệch tỉ giá đôla Mỹ so với đồng Việt Nam, EVN chia các thời điểm mua điện mặt trời với mức giá khác nhau.

Cụ thể, dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 1/1/2018 có giá mua điện là 2.086 đồng/kWh; trong năm 2018 giá mua điện là 2.096 đồng/kWh; trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỉ giá từng năm cụ thể.

Ngành điện sẽ chi trả tiền điện thông qua hình thức chuyển khoản hằng tháng cho khách hàng. Về cách xác định thuế VAT, đối với đơn vị doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, đơn vị lắp đặt khai thuế bằng phương pháp khấu trừ 10%. Trường hợp đơn vị lắp đặt kê khai thuế trực tiếp trên thuế VAT thì nộp 2%/doanh thu.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, các công ty điện lực thành viên và đại diện EVN HCMC ký kết hợp đồng mua bán điện các dự án điện mặt trời áp mái với các chủ đầu tư theo giấy ủy quyền số 1166/UQ-EVNHCMC ngày 18/3/2019. Các dự án điện mặt trời áp mái được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.

Ngoài giải pháp khuyến khích điện mặt trời, ông Bảo cho biết, trong thời gian tới, EVN HCMC sẽ tổ chức các buổi hội nghị khách hàng để qua đó phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu làm “kiểm toán năng lượng”. Từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp có thống kê chính xác về lượng điện tiêu thụ và đưa ra giải pháp tối ưu hơn cho doanh nghiệp sử dụng điện hợp lý và vẫn đảm bảo giá sản xuất./.

Xem thêm:

>>Tăng giá điện: Kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu

>>Giải pháp nào giúp doanh nghiệp ứng phó với giá điện tăng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục