Giải pháp nào giúp doanh nghiệp ứng phó với giá điện tăng?

19:30' - 13/03/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp cho hay đã có giải pháp sẵn sàng ứng phó với giá điện tăng và giải pháp được nhắc nhiều đó là phải sử dụng tiết kiệm điện và áp dụng các thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
Sản xuất máy may công nghiệp và các thành phần mài tại công ty Juki Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Giá điện dự kiến có thể tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp cho hay đã có các giải pháp sẵn sàng ứng phó với giá điện tăng và giải pháp được nhắc nhiều đó là phải sử dụng tiết kiệm điện và áp dụng các thiết bị ít tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất.

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm, ngoài chi phí nhân công, điện cũng là một trong những cấu thành ảnh hưởng đến tổng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Doanh nghiệp ngành may mặc sử dụng nhiều máy móc liên quan đến điện.

Trong khi các doanh nghiệp đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, việc giá điện tăng sẽ gây khó khăn không nhỏ.

Vì vậy, doanh nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí về điện cho doanh nghiệp.

Cùng chia sẻ những khó khăn về việc giá điện tăng có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó, song ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà đã có các giải pháp để ứng phó.

Ông Sơn cho hay, việc tăng giá điện là mối lo cho tất cả các doanh nghiệp, làm tăng giá thành dẫn tới tăng giá bán và làm ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh và rõ ràng nhà nước đã tính toán được.

Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy các doanh nghiệp phải có những giải pháp để làm sao tiết kiệm năng lượng.

Giai đoạn này trùng với thời điểm Giờ Trái đất nên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

“Tăng giá điện là một thực tế, chúng tôi cũng có những khó khăn và kiến nghị, nhưng bản thân doanh nghiệp phải chủ động có giải pháp ứng phó. Riêng với Sơn Hà, chúng tôi áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, đạt được kết quả tiết giảm đến 30% chi phí năng lượng cho sản xuất. Cụ thể, những sáng kiến được doanh nghiệp chủ động áp dụng như những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, dùng đèn led, bố trí máy móc khoa học, tiến tới lắp đặt điện mặt trời áp mái...”.

“Chắc chắn các nhà máy của chúng tôi sẽ phủ kín bằng những tấm pin năng lượng mặt trời và hiện đang khẩn trương lắp đặt tại các nhà máy khu vực phía Nam. Sau đó, khi có các chính sách giá mới, Sơn Hà sẽ tiếp tục lắp đặt trên các nhà máy khu vực phía Bắc để tiết kiệm lượng tiêu thụ điện”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí SKD Việt Nam, trong cơ cấu giá sản phẩm, chi phí tiền điện chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 15-20%.

Do vậy, việc tăng giá điện dự kiến trong thời gian tới ít, nhiều sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì là doanh nghiệp nhỏ nên SKD khó có thể đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện đại, tuy nhiên, đơn vị đã bố trí lại lịch làm việc, sắp xếp máy móc thuận tiện, khoa học hơn, cùng với đó, tận dụng tối đa lượng ánh sáng mặt trời vào sản xuất để tiết giảm điện năng.

Rõ ràng, giá điện tăng là một thực tế. Không tăng giá điện thì ngành điện sẽ thiếu đi nguồn vốn để đầu tư, quan trọng nhất là sức hút đầu tư vào ngành điện sẽ không có.

Các chuyên gia cũng đồng tình với việc tăng giá điện, song cần phải minh bạch hơn nữa giữa giá mua – bán để người dân hiểu.

Ông Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng cho hay, số liệu thống kê của Tổng cục thống kê 2018, 1kWh điện chỉ làm ra 1,3 USD, trong khi thế giới là 1kWh điện làm ra 3,3 USD, đây là mức bình quân trên thế giới.

Cho nên việc sử dụng điện, kể cả diesel ở Việt Nam là rất lãng phí, nên tiết kiệm là đúng.

“10 năm qua chúng ta đã động viên tiết kiệm điện nhưng không hiệu quả, cho nên chỉ bằng phương pháp giá, thị trường để buộc người dân tiết kiệm, sử dụng hiệu quả. Vì vậy, tôi ủng hộ tăng giá điện”, ông Sơn bày tỏ.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, giá điện Việt Nam nếu so sánh cùng bậc với các nước có GDP bình quân, thì giá điện thấp hơn 6-7%, giá diesel thấp hơn 20%, giá xăng thấp hơn một chút.

Tuy nhiên, các đơn vị cần minh bạch hơn trong vấn đề giá điện để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu.

EVN có thể minh bạch ngay giá mua bao nhiêu, giá bán bao nhiêu, giải trình rõ ràng hơn nữa..., ông Sơn nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục