Doanh nghiệp tìm đủ cách thích ứng dịch bệnh

17:49' - 16/08/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt đã có nhiều thay đổi để thích ứng với những khó khăn, thách thức.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã kéo theo những đợt giãn cách xã hội liên tiếp hơn 1 tháng qua theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có những trải nghiệm đương đầu cùng dịch bệnh.

Qua đó, chứng tỏ sự năng động, tính thích ứng cao với hoàn cảnh bằng sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh để củng cố đội ngũ, ổn định và duy trì hoạt động; đồng thời, giữ vững mối liên kết với khách hàng và chỗ đứng trên thị trường.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt đã thực sự có nhiều thay đổi để thích ứng với những khó khăn, thách thức.

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức cho người lao động làm việc luân phiên để hạn chế tối đa nghỉ việc và để không ai bị bỏ lại phía sau; áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí thông qua điều chỉnh nhân sự tại các bộ phận theo hướng tập trung và ưu tiên cho các vị trí tạo ra doanh thu trực tiếp; đồng thời, tạo điều kiện cho một số vị trí lao động làm việc tại nhà.

Cùng với đó, các doanh nghiệp rà soát các kế hoạch chi tiêu theo hướng “tối giản” và cắt giảm, điều chỉnh lại những chương trình đầu tư chưa cấp thiết hoặc không còn phù hợp với điều kiện dịch bệnh và sau khi hết dịch bệnh để thích ứng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động đàm phán để giảm giá thuê văn phòng, mặt bằng sản xuất kinh doanh; điều chỉnh các quy định nội bộ để bảo đảm an toàn cho các vị trí lao động, đồng thời cũng bảo đảm duy trì các hoạt động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có những chính sách nội bộ để khuyến khích mạnh mẽ sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch nhưng vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu.

Ông Nam còn cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tích cực thay đổi và tìm kiếm các nguồn tín dụng có lãi suất thấp hơn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, gói hỗ trợ của ngân hàng thương mại cũng như tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ mới hoặc thực hiện hình thức “kinh tế chia sẻ” với bạn hàng, đối tác kinh doanh hay các nhà đầu tư và cả người tiêu dùng.

Cũng có những doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, coi trọng củng cố nền tảng thương mại điện tử, tích cực tham gia hiến kế xây dựng chính sách kinh tế...

Đây là một số trong rất nhiều hình thức mà doanh nghiệp Việt đã và đang áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp để  thích ứng thực tế nhằm mục tiêu tồn tại để vươn lên.

Bà Trần Thoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tâm Thảo cho hay, dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp. Trước ảnh hưởng đó, Công ty TNHH Thiên Tâm Thảo đã biến “nguy thành cơ hội” thay đổi chiến lược kinh doanh, bán hàng đẩy mạnh kinh doanh online dựa trên nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến. Điều này đã giúp doanh nghiệp duy trì được doanh thu và lợi nhuận.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, cùng với việc thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp vẫn nỗ lực để duy trì việc làm cho người lao động, khắc phục tình trạng gián đoạn trong sản xuất và lưu thông phân phối hàng hóa.

Đặc biệt doanh nghiệp không để xảy ra đứt gãy kết nối với thị trường và khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp còn có nhiều hoạt động trợ giúp cho cộng đồng xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và trích một phần lợi nhuận để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh.

Để ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam còn ghi nhận, ở mỗi tổ chức tập thể, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên.

Theo đó, 3 vấn đề cần tập trung vào lúc này đó là sự điều chỉnh bộ máy nhân sự sao cho hợp lý; xây dựng những chiến lược khác biệt và thiết kế những giải pháp quản trị đặc thù để ứng phó với tình hình khủng hoảng của nguy cơ dịch bệnh bùng phát như ở thời điểm hiện tại.

Điển hình như, Tổng Công ty May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.

Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Trong khi đó, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của doanh nghiệp mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định…

Đại diện Công ty cổ phần May Meko, Giám đốc Trần Chí Gia cho biết, năm 2020 vừa qua, công ty đã rất nỗ lực, dù có thời gian bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, do các quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Nhưng kết quả kinh doanh của năm vẫn rất khả quan.

Tới nửa đầu năm 2021, dù dịch bùng phát trở lại, nhưng may mắn là công ty có rất nhiều đơn hàng nước ngoài, phải đưa hàng xuất khẩu bằng máy bay để kịp đơn hàng. Là doanh nghiệp ngành may mặc và cần nhiều lao động nên công ty luôn nỗ lực giữ chân công nhân. Hiện nay, vừa phòng dịch, vừa thiếu công nhân, đơn hàng phải giao gấp, trong khi công ty chỉ còn dưới 1.300 công nhân nên đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp và cách thức tổ chức nhân sự, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực vượt khó để duy trì hoạt động, ông Gia chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục