Doanh nghiệp Trung Quốc nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

17:05' - 05/12/2018
BNEWS Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang có những chuyển biến theo xu hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và nông, lâm, thủy hải sản.
Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị mặt hàng hoa quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồng thời, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản. Đây là thông tin được cho biết tại Diễn đàn “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT China) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5/12.

Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 10 tháng của năm 2018 đạt gần 86,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Còn ở lĩnh vực đầu tư, tính luỹ kế đến cuối tháng 9/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7 trên tổng 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng 10 tháng của năm 2018, Trung Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 5 trong tổng số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp Việt Nam cho hay, các mặt xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc có thể kể đến là mặt hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện; nông sản; giày dép các loại… Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam với đa dạng chủng loại mặt hàng như máy móc, thiết bị, nhóm mặt hàng vải may mặc, sắt thép…

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về quan hệ thương mại, Việt Nam – Trung Quốc đang có những bước tiến thuận lợi khi hai nước cùng thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua. Theo đó, với nhiều điểm tương đồng và vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc luôn là một trong những thị trường lớn đầy tiềm năng của Việt Nam.

Theo ông Võ Tân Thành, với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI luôn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các đoàn khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội hợp tác tại các nước; trong đó, có Trung Quốc.

Do đó, Diễn đàn “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc 2018” là hoạt động không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho cộng đồng hai nước cập nhật thông tin thương mại và đầu tư. Đồng thời, gặp gỡ và tìm kiếm đối tác lâu dài, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư… giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới.

Bà Du Hải Yến, Phó Hội trưởng Hội xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT China) nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác thương mại Việt – Trung không ngừng phát triển tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên dẫn đầu trong các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc ngày càng cải cách và mở cửa thị trường, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó, có doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại Việt – Trung đã không ngừng kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên ở nhiều lĩnh vực. Theo đó, Hội xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc là một trong những đơn vị tích cực triển khai nhiều hoạt động giao thương, góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp nói riêng, hai nước nói chung.

Liên quan đến hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Dương Tú Hữu, Phó Tổng thư ký UBND Thành phố Thẩm Quyến cho hay, địa phương này luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, nhất là các lĩnh vực sản xuất thiết bị, điện và năng lượng tái tạo. Thẩm Quyến là thành phố của sự đổi mới cho phát triển đô thị và cam kết xây dựng một trung tâm khoa học, công nghệ quốc tế, đổi mới công nghiệp…

Theo ông Dương Tú Hữu, đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Việt – Trung đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ, sản phẩm tiên tiến trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường, vật liệu mới… Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Thẩm Quyến như Hội chợ công nghệ cao hay Triển lãm Khoa học và Công nghệ Trung Quốc… được tổ chức thường niên.

Riêng đánh giá về những lợi thế kinh tế thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam, ông Shen Wenjien, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Shen Yue cho rằng, Việt Nam có môi trường thuế thuận lợi hơn một số quốc gia khác; lực lượng lao động dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh… Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn kinh tế phát triển sau những năm cải cách và mở cửa, mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài.

Thống kê trong những năm gần đây, xu hướng các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là rất lớn. Điều này xuất phát từ nguyên nhân, nhiều công ty Trung Quốc đã phát triển thành các Tập đoàn xuyên quốc gia, đồng thời Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, trên nền tảng cải cách và mở cửa của Việt Nam, không ít doanh nghiệp từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng được thương hiệu. Chính vì vậy, dự báo trong thời gian tới, các công ty Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam./.

Xem thêm:

>>Xuất khẩu tự tin vượt ngưỡng

>>Việt Nam - Hàn Quốc phát triển hợp tác thương mại và đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục