Doanh nghiệp tư nhân sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực không gian vũ trụ?

06:30' - 22/12/2021
BNEWS Các vấn đề quản trị không gian ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng các tác nhân không gian tư nhân trong những năm tới.

Trang The Diplomat đăng bài viết của Giám đốc Trung tâm an ninh chiến lược và công nghệ (CSST) thuộc Quỹ nhà quan sát (ORF) Ấn Độ Rajeswari Pillai Rajagopalan với nhận định rằng các doanh nghiệp tư nhân mang lại một số lợi ích cho sự phát triển không gian, nhưng cũng làm tăng thêm những thách thức về quản trị.
Các vấn đề quản trị không gian ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng các tác nhân không gian tư nhân trong những năm tới. Phần lớn các cuộc tranh luận về quản trị không gian đến nay đều xoay quanh các tác nhân nhà nước. 
Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân trong không gian mang lại một số lợi ích như khả năng tiếp cận không gian rẻ hơn nhưng cũng có khả năng làm tăng thêm các vấn đề mà quản trị mà lĩnh vực đã phải đối mặt. Nhiều “người chơi” tư nhân mới tham gia vào lĩnh vực không gian trong thập kỷ qua và đang đưa ra những ý tưởng mới trong các lĩnh vực phóng vệ tinh, chế tạo vệ tinh, công nghệ đẩy và các dịch vụ dựa trên không gian. 
Dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu, hiện có giá trị 350 tỷ USD, có thể tăng lên hơn 1.000 tỷ USD năm 2040. Theo báo cáo Space Tech 2021, có hơn 10.000 công ty công nghệ không gian tư nhân và 5.000 nhà đầu tư hàng đầu. Dẫn đầu hiện nay là Tập đoàn Công nghệ hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk SpaceX.
Lợi ích của việc doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này có thể kể đến như chi phí phóng và chế tạo vệ tinh giảm. Ngoài ra còn có một số công ty thương mại đầu tư công nghệ biến du lịch vũ trụ thành hiện thực và cố gắng làm cho dịch vụ này dễ tiếp cận hơn. 

Tỷ phú Elon Musk tại một sự kiện ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đáng chú ý nhất trong số những “người chơi” tư nhân là SpaceX, đây cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân lâu đời nhất. Bắt đầu với tên lửa Falcon 1 lần đầu tiên được phóng thành công năm 2008, SpaceX hiện chế tạo hai tên lửa khác lớn hơn.

Falcon 9 là tên lửa tái sử dụng có sức nâng hạng nặng được phóng lần đầu tiên năm 2010. Tiếp theo là Falcon Heavy năm 2018, dựa trên Falcon 9 với tên lửa đẩy có dây đeo bổ sung. SpaceX cũng đã phát triển Dragon 2, một tàu vũ trụ có thể tái sử dụng với cả phiên bản chở người và chở hàng. Vào cuối thập kỷ này, SpaceX trở thành một trong những công ty hàng không vũ trụ lớn và sáng tạo nhất. 
Một tập đoàn vũ trụ khác là Blue Origin đi tiên phong trong loạt tên lửa tái sử dụng có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng. Chiếc đầu tiên, New Shepard, được thử nghiệm thành công năm 2015, khi quay trở lại hạ cánh mềm theo phương thẳng đứng sau một chuyến bay ngắn trong không gian. Kể từ đó tàu đã được sử dụng để chở khách du lịch vũ trụ. 
Cũng tham gia lĩnh vực du lịch vũ trụ là tập đoàn không gian Virgin Galactic. Người sáng lập Richard Branson (Anh) cùng với ba hành khách đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/2021. Mặc dù du lịch vũ trụ có thể không dành cho tất cả mọi người và tiềm năng có thể bị hạn chế nhưng thực tế cho thấy khả năng của công ty tư nhân trong việc đưa các phi hành đoàn vào không gian.
Những công ty tư nhân khác tập trung vào các cách tiếp cận thực dụng hơn, ví dụ như xây dựng các vệ tinh nhỏ và bệ phóng vệ tinh/tên lửa. Ví dụ, Rocket Lab, có trụ sở tại New Zealand, phóng tên lửa hạ âm quỹ đạo năm 2009. Sau đó, công ty chế tạo tên lửa Electron lớn hơn, được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2017 và có lần phóng thương mại đầu tiên năm 2018.
Ngoài bệ phóng tên lửa, một số lượng lớn các công ty tư nhân cũng tham gia việc chế tạo các vệ tinh nhỏ và vệ tinh nano. Hàng trăm vệ tinh nhỏ và vệ tinh nano sẽ được phóng trong năm tới. Hoạt động này mở rộng thị trường cho các công ty nhỏ và cho phép giảm chi phí tiếp cận không gian và công nghệ mới.
Tuy nhiên, có một mặt tối của sự tiến bộ về công nghệ và khả năng tiếp cận không gian này. Nhiều vệ tinh nhỏ khi rời quỹ đạo thì bay trở lại Trái Đất và bốc cháy trong bầu khí quyển nhưng chúng lại làm tăng mật độ của các vật thể trong không gian vũ trụ.

Việc khai thác thương mại cũng đang khiến “đấu trường” ngoài không gian trở nên đông đúc, và làm phức tạp các chính sách quản trị không gian. Đây là lý do nữa để các chủ thể nhà nước và chính phủ các quốc gia nên quan tâm đến lĩnh vực không gian vũ trụ và cùng nhau xây dựng các quy tắc mới để quản lý hiệu quả lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục