Doanh nghiệp Việt làm gì để “vượt rào” vào thị trường lớn?

08:18' - 02/04/2016
BNEWS Trước những khó khăn trong tiến trình hội nhập, mỗi doanh nghiệp lại có một hướng đi riêng, một cách làm riêng để nâng cao năng suất sản phẩm cũng như trụ vững và phát triển.

Những rào cản về kỹ thuật, thiếu thông tin đối tác và thiết bị công nghệ lạc hậu là những khó khăn doanh nghiệp luôn phải vượt qua để nâng cao năng suất sản phẩm cũng như trụ vững và phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu, rộng.

Nhưng làm cách nào để vượt qua thì mỗi doanh nghiệp lại có một hướng đi riêng, một cách làm riêng. Những chia sẻ dưới đây của đại diện một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành hàng với phóng viên TTXVN sẽ làm rõ hơn về vấn đề này. 

Lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ không ngại cạnh tranh hàng vào mà phải đối mặt với thách thức đẩy hàng ra, chớp cơ hội xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) Luyện Công Minh: Chớp cơ hội xuất khẩu

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng quá nhiều thách thức và vượt rào kỹ thuật là tiêu chí hàng đầu để xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Nhóm vật liệu xây dựng nhìn thấy ngay lợi thế khi trong số 12 quốc gia tham gia Hiệp định không nước nào có lĩnh vực vật liệu xây dựng phát triển nằm ở tốp đứng đầu thế giới. Nhật Bản rất mạnh về sản phẩm sứ nhưng họ cũng không chuyển hàng vào Việt Nam để cạnh tranh, tức là sân nhà khá bình ổn.

Lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ không ngại cạnh tranh hàng vào mà phải đối mặt với thách thức đẩy hàng ra, chớp cơ hội xuất khẩu. 

Thị trường các nước tham gia Hiệp định đều là những thị trường rất khó tính và ở mức trình độ cao. Hàng rào kỹ thuật là yếu tố phải quan tâm số 1, nhất là Mỹ và Nhật Bản. Hiện tại, rào cản kỹ thuật của các nước này đã cao nhưng thời gian tới sẽ còn tiếp tục nâng lên nữa. Điều này sẽ cản trở hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường khách mà điển hình là Mỹ. 

Trước đây đã có doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng vào Mỹ. Quy trình của họ là kiểm tra xác suất, mở bất kỳ thùng hàng nào để xem. Nếu chỉ phát hiện một lỗi hoặc chi tiết không đạt chuẩn của họ là phải mang cả lô hàng về; thậm chí tính cả tiền lưu kho.

Khi ấy, nếu tính cả chi phí sản xuất, vận chuyển… có khi mất trắng. Bởi vậy, cơ hội nhiều nhưng thách thức có khi còn lớn hơn, nhất là khi đưa sản phẩm vật liệu xây dựng vào các thị trường lớn. 

Ví dụ như Mỹ, hàng vật liệu xây dựng họ đang nhập khẩu chủ yếu từ Italia và Tây Ban Nha… Những nước này quá mạnh không chỉ với công nghệ xếp hàng đầu thế giới mà sản lượng và chất lượng cũng cao. Việc “đấu" với họ là quá khó. Cho dù việc bỏ hàng rào giá cũng bớt khó khăn, thêm thuận lợi nhưng rào cản kỹ thuật vẫn là khó nhất. 

Trường hợp, khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp đưa ra giá quá rẻ coi chừng bị đánh vào hành vi “phá giá”. Do đó, muốn “cắm rễ” sâu khi xuất khẩu phải đáp ứng chất lượng hàng hóa ở tầm rất cao mới có thể ăn ngon ngủ yên.

Nếu vượt được rào cản kỹ thuật thì khối lượng xuất khẩu sẽ rất đáng kể bởi đây hầu hết là các thị trường tiềm năng. Nếu không vượt qua được thử thách này thì không có cơ hội bứt phá trong xuất khẩu. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để phát triển và trưởng thành rất nhanh. Chỉ có như vậy mới có thể tận dụng được cơ hội.

Bà Lê Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Elmaco: Nắm chính xác thông tin đối tác

Trong bối cảnh hội nhập rất mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Với nguồn vốn ít, trình độ quản lý còn yếu thì việc tìm được đối tác xuất khẩu tin cậy ở các thị trường mới là không dễ. 

Trong những tháng đầu năm 2016, hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có kết quả kinh doanh không được tốt như những tháng cuối năm. Với Elmaco, nhiều mặt hàng đang xuất khẩu chậm hơn so với thời điểm này năm ngoái.

Cụ thể như, mặt hàng nông sản của Elmaco được xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ lệ khá cao, nhưng do tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm, cộng với các hoạt động về nông sản của nước bạn diễn ra chậm nên rất ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần phải nắm đầy đủ các thông tin về sản phẩm và về đối tác. Ảnh: TTXVN

Tận dụng cơ hội từ các FTA, Elmaco cũng đã rất cố gắng để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đơn vị vẫn còn gặp nhiều trở ngại về thông tin thị trường, đối tác, sản phẩm khi tiến hành tìm hiểu, giao dịch.

Cùng với đó là nguồn vốn còn rất hạn hẹp, khó triển khai các vấn đề về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và tìm kiếm hợp tác. Do đó, Elmaco vẫn chủ yếu làm việc với các khách hàng truyền thống và chưa mở rộng các khách hàng ra thị trường mới. 

Kinh nghiệm mở rộng thị trường của doanh nghiệp tuy còn ít, nhưng để xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nắm đầy đủ các thông tin về sản phẩm và về đối tác.

Nếu chỉ thông qua hệ thống website, các trang thương mại điện tử thì cũng khó nắm bắt toàn bộ về đối tác. Còn để sang tận nơi, làm việc, nắm thông tin và tìm kiếm hợp tác thì doanh nghiệp lại thiếu nguồn vốn. 

Chẳng hạn, năm 2015, doanh nghiệp có khách hàng ở Ukraina, họ cũng cung cấp địa chỉ, ảnh sản phẩm..., chúng tôi cảm thấy rất phù hợp, mong muốn hợp tác. Nhưng khi thương vụ bên đó đi kiểm tra thì địa chỉ doanh nghiệp đó cung cấp chỉ là 1 trạm điện thoại.

Tương tự, một vài khách hàng hỏi thông tin để hợp tác, doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp cũng không được xác thực, không đáng tin.

Trong thời gian tới, giải pháp trước mắt vẫn cố gắng giữ ổn định ở những thị trường truyền thống. Còn để tăng xuất khẩu vào các thị trường mới, với tiềm năng còn rất hạn chế của mình, Elmaco sẽ vẫn tiến hành qua thương mại điện tử.

Tuy nhiên, sẽ lựa chọn những trang thương mại uy tín để quảng bá sản phẩm và tìm được những đối tác tin cậy, các thông tin được đánh giá, đảm bảo có tính xác thực cao.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh: Đổi mới công nghệ

Sản phẩm ống nhựa của công ty không thuận lợi cho việc xuất khẩu do chi phí vận chuyển lớn, tất nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh sẽ rất khó khăn trong việc xuất khẩu.

Để tìm thị trường cho xuất khẩu, hiện công ty vẫn đang xem xét việc xuất khẩu sang các quốc gia lân cận. Nhựa Bình Minh đã xuất khẩu sang Campuchia và Lào; đồng thời đang xem xét thị trường Malaysia.

Hàng năm, công ty đều dành từ 5-10% doanh thu cho việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty là doanh nghiệp duy nhất của ngành đầu tư 100% thiết bị từ châu Âu và luôn cải tiến hàng năm.

Cuối năm 2015 vừa qua, công ty đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy Bình Minh Long An. Khi nhà máy đi vào hoạt động đã cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 tấn phụ tùng các loại, góp phần giúp Nhựa Bình Minh tăng thêm doanh thu khoảng 150 tỷ đồng.

Trong năm nay, Nhựa Bình Minh sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2 nhà máy Long An, đồng thời nâng cấp trang thiết bị phục vụ nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Chi phí đầu tư cho cả 2 lĩnh vực trên sẽ khoảng 600 tỷ đồng. Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh thu công ty vượt mốc 3.000 tỷ đồng trong năm 2016. 

Hiện Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có mạng lưới phân phối trên khắp cả nước với  khoảng 1.400 cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của công ty và hơn 80% cửa hàng kinh doanh sản phẩm nhựa Bình Minh.

Với các sản phẩm chủ yếu là các loại ống, phụ kiện ống nhựa, các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao cho các ngành cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, điện lực, xây dựng và dân dụng, các loại bình xịt sử dụng trong nông nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục