Doanh nhân tài trí tìm hướng thích nghi

18:18' - 13/10/2020
BNEWS Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đang tìm cách thích nghi khá tốt với những khó khăn của thị trường, với sự suy giảm về nhu cầu của người tiêu dùng và khắc phục một cách rất chủ động.

Gặp lại ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng Ban Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Hội đồng Doanh nghiệp và nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (HBC) tại Diễn đàn Doanh nhân 2020 mới đây, nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945, câu hỏi duy nhất mà tôi thực sự mong muốn nhận được câu trả lời chân thực: “Các doanh nghiệp, hiện đang xoay sở thế nào để tồn tại và vượt qua nghịch cảnh, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch COVID-19?”. Thay vì nhận những lời than vãn, đáp trả tôi lại là nụ cười lạc quan đến ngạc nhiên.

Phóng viên: Hiện thời, thành viên của HBC, các doanh nghiệp và doanh nhân đang đối mặt với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Nam: Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đang tìm cách thích nghi khá tốt với những khó khăn của thị trường, với sự suy giảm về nhu cầu của người tiêu dùng và khắc phục những vấn đề nội tại của mình một cách rất chủ động. Nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chuyển hướng sang làm nông nghiệp.

Người còn dày vốn thì đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển các cây trồng ăn quả ngắn ngày cho năng suất lớn.

Một số người thì chuyển sang làm nông trại, huy động công nhân lao động “xắn” tay vào cùng làm và nhanh chóng cho sản phẩm ngay.

Người khó khăn hơn thì tìm kiếm các loại hình dịch vụ đơn giản như ăn uống, vận tải hay giao chuyển hàng hóa…

Về cơ bản thì vẫn ổn! Ít nhất việc chuyển hướng hoạt động, lấy ngắn nuôi dài, đang giúp nhiều doanh nghiệp, doanh nhân gỡ bí với tình thế hiện nay.

Phóng viên: Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Tình hình tiếp cận của các doanh nghiệp thành viên thuộc Hội đồng HBC như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Nam: Đúng là các doanh nghiệp được nghe phổ biến nhiều về gói tín dụng 62 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc tiếp cận còn rất khó khăn, cá nhân tôi cũng vậy. Quy định về doanh thu, về số lao động, về quy mô và loại hình hoạt động để được xếp vào đối tượng được hưởng lợi từ chính sách là rất khó khăn.

Rồi mới đây nữa, Quốc hội đã phê chuẩn Gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp. Theo đó, mở rộng các đối tượng áp dụng, nới lỏng hơn các quy định và yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải tăng cường truyền thông hơn, phổ biến rộng rãi để đông đảo doanh nghiệp nắm được việc này.

Ngay như việc doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 đã được phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ hơn 1 tháng nay nhưng tôi cũng vừa biết mới đây. Chắc rằng chưa có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp nắm được thông tin hữu ích ấy.

Tuy nhiên, là người khá sát sao với tình hình doanh nghiệp, tôi cho rằng, hỗ trợ tài chính chỉ là giải pháp tình thế và cũng khó có thể thỏa mãn nhu cầu của hầu hết các doanh nghiệp, cho dù, gói ấy có là bao nhiêu nghìn tỷ đồng thì cũng vậy.

Muối bỏ bể so với tỷ lệ doanh nghiệp hiện có lúc này. Vì thế, cần tính toán có giải pháp căn cơ hơn, cơ chế cụ thể để giải quyết trực tiếp những khó khăn của doanh nghiệp. Đơn cử, ngay như việc giải quyết những tranh chấp, xử lý vi phạm trên thị trường.

Ở thời buổi rối ren như hiện nay, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh rất cao. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng sử dụng chiêu trò để giành khách, giành thị trường hoặc gian lận và gây tổn hại danh tiếng, uy tín của đối thủ.

Các vấn đề pháp lý, cán bộ chấp pháp hoặc xử lý những vụ việc vi phạm, tranh chấp không chỉ cần kiến thức pháp luật vững vàng, mà còn cần sự minh bạch, công tâm và các chủ trương cụ thể để tránh gây tổn thương cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Dự cảm về tình hình kinh tế trong những tháng cuối năm và sang năm sau, nhiều chuyên gia nhận định rằng, phụ thuộc lớn nhất vẫn là việc kiểm soát dịch bệnh. Các doanh nghiệp, doanh nhân đang kỳ vọng như thế nào về diễn biến kinh tế hiện nay?

Ông Nguyễn Hải Nam: Cũng khó để đoán định, kể cả là tương lai trước mắt, nhất là khi, dịch bệnh khả năng còn diễn biến phức tạp trong mùa đông và vào những tháng cuối năm. Nhất là khi toàn cầu chưa tìm ra vắc xin hay bất kỳ giải pháp y tế nào cho COVID-19.

Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chỉ có 1 mong mỏi lớn nhất, Nhà nước hãy tập trung đầu tư cả về trí tuệ, vật chất và con người để nhanh chóng tìm ra thuốc chữa bệnh.

Với một đất nước có sự ổn định về chính trị, có một thể chế đang trên đà đổi mới mà nếu khống chế tốt được dịch bệnh như đã từng làm trước đây thì chắc chắn, cơ hội vượt lên của nền kinh tế Việt Nam là rất sáng sủa.

Thực sự, lúc này đa phần các doanh nghiệp không ai còn tâm ý để đầu tư. Đa số đều đang phòng thủ hoặc xác định phải phòng thủ để bảo toàn lực lượng.

Những doanh nghiệp nào còn trụ vững được lúc này, đó quả thực là những doanh nghiệp tài giỏi. Bởi đúng như quy luật sinh tồn, không phải loài mạnh nhất hay loài thông minh nhất mà chính là loại có khả năng thích nghi sẽ có thể tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù là khó khăn, khắc nghiệt tới đâu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục