Doanh thu 5 sàn thương mại điện tử ở Việt Nam tăng gần 55%

14:39' - 29/07/2024
BNEWS Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỷ đồng trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop).
Phát huy lợi thế của kênh xúc tiến thương mại trên môi trường online giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả với chi phí thấp. Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại "Khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/7.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tinh và chuyển đổi số. Sự phát triển của internet và các nền tảng số đã mở ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội này, doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kỹ năng kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng thời đại.

Tp. Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu kinh tế số của cả nước, với những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần đưa Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm xúc tiến thương mại số hàng đầu trong nước và quốc tế.

 
"Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xúc tiến thương mại. Việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng. Thông qua các kênh online, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra chiến lược xúc tiến thương mại hiệu quả hơn", ông Lê Hoàng tài nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác tổ chức chuỗi chương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi tư duy bán hàng, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh tiêu thụ, phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC dẫn Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric: Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỷ đồng trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop). Theo đó, tổng doanh số 5 sàn thương mại điện tử trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023.

Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.

Theo bà Hồ Thị Quyên, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Sử dụng các công cụ và công nghệ số như mạng xã hội, trang web, livestream và email marketing không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn mà còn tối ưu hóa quá trình quản lý và vận hành.

Đại diện TikTok Shop Việt Nam, thông tin bán hàng thông qua các kênh trực tuyến hoặc kết hợp đa kênh đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn như hiện nay. Việc tận dụng kênh thương mại trên môi trường số giúp người bán dễ dàng tiếp cận đa dạng tệp khách hàng trong cùng một thời điểm. Sàn thương mại điện tử hiện nay cũng được thiết kế với rất nhiều tính năng để nhà bán hàng có thể thu hút người xem và tối ưu hoá doanh thu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chia sẻ: Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, xúc tiến thương mại và kinh doanh trực tuyến, livestream là hướng đi được nhiều doanh nghiệp ưu tiên.

Các nền tảng thương mại trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp thương mại tiết kiệm chi phí mặt bằng, vận hành cửa hàng mà còn giúp nhà sản xuất, kể cả cơ sở sản xuất nhỏ có thể bán hàng trực tiếp cho khách hàng. Việc hình thành chuỗi cung ứng với ít khâu trung gian hơn giúp giảm giá thành, từ đó góp phần vào kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục