Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công thương

17:15' - 15/10/2021
BNEWS Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng chục vạn cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm xây dựng và phát triển trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học chất lượng cao, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế... là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022 ngày 15/10 của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, là một trong những trường đại học được thành lập sớm nhất và với vị thế được xem là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế của cả nước, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng chục vạn cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế được đào tạo ở các trình độ khác nhau, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Đặc biệt, dịch COVID-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, ngành công thương nói chung, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế và sự tác động đó.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công thương, Bộ trưởng đề nghị Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và các em sinh viên quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện tốt quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trọng tâm là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới nhằm xây dựng và phát triển trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học chất lượng cao, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, một số ngành đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và thế giới.

Ngoài ra, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, lấy người học làm trung tâm, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia và giảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn cao để làm tốt vai trò quản trị, hướng dẫn người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Bên cạnh việc đào tạo về chuyên môn, Bộ trưởng cũng lưu ý nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học viên, sinh viên, giúp các em hiểu biết sâu sắc và trân trọng các giá trị truyền thống, lịch sử của nhà trường, của Đảng, đất nước và dân tộc.

Hơn nữa, nhà trường phải tích cực và chủ động hội nhập quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Mặt khác, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn trong lĩnh vực học thuật gắn với đào tạo sau đại học; khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế biến và điện tử góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nhà trường, của ngành và của đất nước.

PGS.TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học 2020-2021 là năm học gặp nhiều thách thức của ngành giáo dục cả nước; trong đó, có trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, chuyển đổi trong phương pháp đào tạo, giảng dạy nên đã đạt được những kết quả đáng tự hào, ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện tự chủ, tạo sự chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo.

Đáng lưu ý, nhà trường đã chung tay cùng ngành giáo dục và cả nước phòng chống dịch COVID-19 sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn; ủng hộ quỹ vaccine; đầu tư cơ sở vật chất chống dịch, tạo học tập môi trường học tập tốt nhất.

Do đó, sinh viên hoàn thành nhiệm vụ năm học đúng tiến độ, tỷ lệ sinh viên có việc làm vẫn đảm bảo, đạt trên 92-97%; cơ sở vật chất đầu tư khang trang, hiện đại; đội ngũ nhân viên, giảng viên được nâng cao về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn; hợp tác quốc tế, hoạt động kết nối với doanh nghiệp vẫn được duy trì, mang lại cơ hội thực tập, việc làm; quản trị đại học được đổi mới mạnh mẽ.

Theo ông Trần Đức Quý, trong năm học 2021-2022, nhà trường sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, trường sẽ thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, tất cả các quá trình quản lý của các lĩnh vực đều được kiểm soát và đánh giá, kiểm định theo các tiêu chí cụ thể và phải đạt chuẩn; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo.

Đặc biệt, nhà trường từng bước thực hiện Đề án “Chuyển đổi mô hình quản trị từ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng như phát triển thương hiệu và văn hóa Đại học Công nghiệp Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục