Đổi mới phương thức phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công

18:10' - 07/03/2024
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị liên quan đổi mới phương thức phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công và tối ưu hóa sử dụng nguồn vốn.

Ngày 7/3, tại Hội nghị Tổng kết công tác đầu tư công năm 2023 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh yêu cầu đổi mới trong các phương thức phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt về ban hành đơn giá của những dự án sử dụng vốn đầu tư công để giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Thêm 22.000 tỷ rót vào đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu tập trung rà soát bố trí vốn đầu tư công đối với những dự án thật sự quan trọng; trong đó ưu tiên số 1 những công trình trọng điểm, dự án cấp thiết, bức xúc, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và nội tỉnh. Đồng thời, tập trung cho đền bù và giải phóng mặt bằng, quan tâm xây dựng các khu tái định cư ổn định cuộc sống của người dân nằm trong diện bị giải tỏa; tăng cường phân cấp, phân quyền tạo điều kiện nhiều hơn cho chính quyền các địa phương chủ động triển khai thực hiện và cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án giao thông trọng điểm.

Năm 2024, tỉnh Bình Dương được giao 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (cao hơn 200 tỷ đồng so với năm 2023). Phần lớn số vốn đầu tư công được tỉnh Bình Dương phân bổ đầu tư cho hạ tầng kinh tế.

 

Theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách nhà nước là 22.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 3.184 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 18.816 tỷ đồng. Đáng chú ý nguồn vốn ngân sách địa phương của Bình Dương chủ yếu đến từ việc đấu giá đất 6.721 tỷ đồng; nguồn thu sử dụng đất 4.750 tỷ đồng; nguồn thu xổ số kiến thiết 1.880 tỷ đồng…

Nguồn vốn ngân sách địa phương được tỉnh Bình Dương phân bổ phần lớn cho lĩnh vực hạ tầng kinh tế với 116 dự án, tổng số vốn là 15.303 tỷ đồng. Trong 116 dự án hạ tầng kinh tế thì hạ tầng giao thông chiếm đến 91 dự án với tổng số vốn 2.324 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2024, Bình Dương sẽ hoàn thành 73 dự án và khởi công mới 7 dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, 2024 là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, là năm thứ 4 của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và bắt đầu xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030. Ngay trong những ngày đầu năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án thuộc tỉnh đã ký cam kết giải ngân vốn đầu tư công và cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nội dung cam kết đã ký với UBND tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trong vai trò tham mưu đã đặt hàng các đối tác về phần mềm quản trị hệ thống phục vụ điều hành chung về đầu tư công, trên tinh thần minh bạch, công khai, đẩy mạnh phân cấp, kiểm tra, kiểm soát và đặc biệt là phục vụ cân đối vốn, nguồn một cách khoa học, hợp lý, phục vụ điều hành ngân sách cho đầu tư đạt hiệu quả nhất.

Bí thư Thành ủy Dĩ An Hồ Quang Điệp cho biết, hiện Dĩ An được xác định là đô thị cửa ngõ với nhiều tuyến đường trọng điểm kết nối vùng. Theo đó, trong năm qua cũng như năm 2024, nguồn vốn đầu tư tỉnh ưu tiên dồn lực cho hạ tầng ở Dĩ An vẫn rất lớn. Qua đó, việc điều hành, chỉ đạo tại địa phương luôn đặt trong tình trạng cao độ nhất.

Ông Điệp còn cho hay, nhiệm vụ năm nay là triển khai ổn định nơi ở của hàng trăm hộ dân nằm trong diện giải tỏa làm đường vành đai 3. Cụ thể, tại Dĩ An có 500 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó có 300 hộ giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư để bà con ổn định cuộc sống, nhường mặt bằng để đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Tối ưu hóa sử dụng nguồn vốn

Đánh giá về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, theo UBND tỉnh Bình Dương dù còn gặp nhiều khó khăn, song tỉnh đã dành nguồn ngân sách rất lớn cho đầu tư công, góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nhanh và bền vững.

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023 là 21.817 tỷ đồng, tính đến ngày 31/1/2024 đã giải ngân đạt trên 86% kế hoạch tỉnh giao. Đây là mức giải ngân vốn cao nhất từ đầu nhiệm kỳ về cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm và là lần đầu tiên tỉnh giải ngân hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ trong hơn 10 tháng thực hiện.

Kết quả trên cho thấy các cấp, ngành, địa phương đã chuẩn bị tốt và khởi công được một số hạng mục thuộc dự án trọng điểm quốc gia; tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cốt lõi. Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh và ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng chủ đầu tư trong từng quý.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế về việc phân bổ vốn, giao kế hoạch đầu tư công vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn trong năm, phải đề xuất kéo dài sang năm 2024. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư công thiếu bền vững, phụ thuộc lớn vào các nguồn thu ngắn hạn, không ổn định, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn cục bộ vào thời điểm cuối năm 2023, ảnh hưởng đến việc giải ngân của các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó là sự mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn trong khả năng huy động của tỉnh dẫn đến cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển.

Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công còn chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương nhất là về thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, dự án chưa đảm bảo theo quy định. Việc phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.

"Để tối ưu hóa sử dụng nguồn vốn, chú trọng vào các dự án ưu tiên và cấp thiết, chúng ta cần tiếp tục rà soát và cắt giảm kế hoạch vốn của những dự án không đạt hiệu quả cao và không tạo ra dư địa phát triển; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết và có tính kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; ban hành quy định cụ thể về quản lý và thực hiện dự án, bao gồm trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và chủ trương đầu tư" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay.

Theo ông Võ Văn Minh, việc công bố kết quả giải ngân định kỳ để tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Các sở chủ trì ngành cùngxây dựng danh mục ưu tiên đầu tư và giãn tiến độ các dự án chưa cấp thiết; nỗ lực tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch được quy định.

Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, cùng với việc giải quyết khó khăn liên quan để đảm bảo tiến độ giải ngân. Cùng đó, theo dõi và cập nhật giá xây dựng và vật liệu xây dựng theo diễn biến thị trường, đồng thời hướng dẫn tính toán đơn giá vận chuyển để đảm bảo tính phù hợp và minh bạch trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Chủ tịch Võ Văn Minh nhấn mạnh, cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cấp ủy, hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động, hướng dẫn tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án triển khai trên địa bàn quản lý, trên quan điểm nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Ông Võ Văn Minh cũng yêu cầu tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ các dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục