Đối phó với chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

18:51' - 27/09/2019
BNEWS Có rất nhiều hình thức lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, phổ biến nhất là chuyển tải hàng hóa sang nước thứ 3 để lấy xuất xứ, hoặc khai sai xuất xứ, mô tả sản phẩm, dán lại nhãn hàng hóa...

Tăng cường quản lý chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là việc làm cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như giữ vững hình ảnh, uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Chính sách và quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 27/9.

Bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại mà chủ yếu là lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Có rất nhiều hình thức lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ đơn giản đến phức tạp; trong đó phổ biến nhất là hoạt động chuyển tải hàng hóa sang nước thứ ba để lấy xuất xứ, hoặc khai sai xuất xứ, mô tả sản phẩm, dán lại nhãn hàng hóa...

Theo bà Phạm Hương Giang, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ khởi xướng một vụ điều tra chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu là thép dây cán nguội. Tuy nhiên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị điều tra chống lẩn tránh khá nhiều với 20 vụ, 17 mặt hàng ở các thị trường EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Braslzil. Có 11 vụ đang bị áp thuế, 2 vụ đang điều tra. Đáng nói là đa số các vụ điều tra liên quan lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp áp với hàng Trung Quốc lắp ráp tại Việt Nam.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích, bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại thường chỉ hướng đến những mặt hàng có xuất xứ hoặc một số quốc gia nhất định. Điều này tạo ra động cơ cho các hành vi gian lận nhằm hưởng lợi bất chính do có sự chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng hóa đến từ quốc gia bị áp dụng với hàng hóa đến từ quốc gia không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Những hành vi như vậy nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể chỉ mang lại lợi ích nhất thời cho một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp nhưng sẽ ảnh hưởng đến đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam nếu bị phát hiện, điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Robert Thommen, Tùy viên cấp vùng Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ kiểm soát rất chặt chẽ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại gây thất thoát và thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Trên thực tế, có sự gia tăng đáng kể các vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp vì vậy pháp luật Hoa Kỳ quy định rất chi tiết các hành vi liên quan đến gian lận thương mại trong Đạo luật hỗ trợ thương mại và thực thi thương mại 2015 và Đạo luật Thực thi và Bảo vệ 2015.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là thực hiện quy trình xác định rủi ro hàng hóa, mức thuế, yếu điểm, kiểm tra xác minh sản xuất  thông qua việc liên kết với hải quan và các cơ quan tổ chức phát hành chứng nhận xuất xứ để thẩm định

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới có nhiều biến động, nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ nước bị áp thuế phong vệ thương mại qua Việt Nam xuất khẩu vào nước áp thuế là rất lớn.

Trong tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu phải tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.

Mặt khác, bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động tìm hiểu, tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại để đảm bảo được sự phát triển bền vững của xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế./.

Một số sản phẩm thép được loại trừ chống lẩn tránh phòng vệ thương mại
Một số sản phẩm thép được loại trừ chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục