Đông Nam Bộ đang chuyển dịch mạnh sang kinh tế xã hội công nghiệp và đô thị

16:30' - 12/07/2022
BNEWS Trong công cuộc đổi mới, hầu hết các tỉnh ở Đông Nam Bộ đang chuyển dịch mạnh mẽ từ hình thái kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị.

Ngày 12/7, Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức tổng kết Đề án Đông Nam bộ giai đoạn 2014-2022.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo cấp cao các sở, ban ngành của tỉnh; các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước đã tham dự.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sơn Đài, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Bộ, Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, từ năm 2014, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ.

Đề án hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu và luận cứ khoa học cho việc xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách quản lý, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội theo hướng bền vững, củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ địa bàn Đông Nam Bộ.

Đề án xác định 10 chương trình nghiên cứu bao gồm kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, lịch sử - văn hóa, môi trường, đô thị hóa, biển đảo, biên giới, kỹ thuật - công nghệ và hội nhập quốc tế.

Trong 8 năm (2014-2022), lồng ghép với các hoạt động khoa học khác của nhà trường, đề án nghiên cứu khoa học về Đông Nam Bộ đã nghiệm thu 200 đề tài do cán bộ giảng viên thực hiện, 393 đề tài do nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thực hiện; tổ chức 158 hội thảo khoa học (trong đó có 13 cuộc hội thảo quốc tế, 17 cuộc hội thảo quốc gia) và hàng trăm cuộc tọa đàm, thảo luận khác; xuất bản gần 70 cuốn sách; đào tạo 01 Tiến sĩ, 244 Thạc sĩ; công bố hơn 1.400 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước...

Trong hội nghị, các đại biểu đã có những quan điểm, ý kiến, tham luận về chương trình hội nhập quốc tế; giải pháp khai thác môi trường hợp tác quốc tế của tỉnh Bình Dương phục vụ chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030 tầm nhìn 2045; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong công cuộc đổi mới, Đông Nam Bộ luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cùng với đó là hàng loạt những chuyển biến về cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội. Hầu hết các tỉnh ở Đông Nam Bộ đang chuyển dịch mạnh mẽ từ hình thái kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị.

Quá trình phát triển của Đông Nam Bộ đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp cận toàn diện nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, cả về lý luận lẫn thực tiễn, cung cấp những dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ cho nhiệm vụ phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ, đồng thời góp phần tổng kết những vấn đề lý luận về phát triển ở Việt Nam.

Ông đánh giá, kết quả đạt được của Đề án đã và đang trở thành một điểm nhấn, dấu ấn quan trọng thể hiện sự năng động, sáng tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra ở vùng Đông Nam Bộ.

Từ nay đến năm 2030, Đề án tiếp tục nghiên cứu các nội dung khoa học còn trống khuyết trong 10 chương trình đã xác định, cung cấp dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra ở Đông Nam Bộ; tạo nguồn học liệu phục vụ giảng dạy, học tập.

Đặc biệt tập trung tiếp cận xu hướng phát triển hiện nay, trong bối cảnh những thành tựu, kinh nghiệm trong 36 năm đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra thế và lực mới; tiến trình hội nhập sâu rộng, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh bình thường sau đại dịch COVID-19 đang đặt ra cấp thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục