Đồng Nhân dân tệ điện tử: Thách thức chiến lược mới của đồng bạc xanh?

06:30' - 31/08/2021
BNEWS Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đồng nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số, một lần nữa chủ đề quốc tế hóa đồng NDT và những thách thức đối với vị thế của đồng USD lại trở thành tâm điểm.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các nghiên cứu trên toàn cầu hiện nay về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) phần lớn vẫn đang dừng ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu hoặc ý tưởng (60%), chỉ một số ít thực sự bước vào quá trình phát triển và thí điểm trên thực tế (14%), trong đó Trung Quốc là nước dẫn đầu với tiến độ nổi bật nhất.  

"Sách Trắng tiền kỹ thuật số" vừa được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố cho thấy tính đến tháng 6/2021, đã có 1,32 triệu kịch bản thí điểm đồng NDT kỹ thuật số, phạm vi bao trùm các lĩnh vực như tiêu dùng mua sắm, trả lương và vận tải du lịch…, lũy kế số lượng và giá trị giao dịch lần lượt đạt 70,75 triệu lượt và 34,5 tỷ NDT.   

* Sự nghi ngại của các nước đối với đồng USD

Tại sao thị trường lại hứng thú với đồng NDT kỹ thuật số như vậy? Thậm chí cho rằng đồng tiền này có thể đe dọa địa vị của đồng USD? 

Đối với hệ thống tiền tệ quốc tế do đồng USD thống trị hiện nay, tính thanh khoản quá lớn của đồng USD đã khiến nhiều nước có cảm giác không tin tưởng, dẫn đến các phản ứng đáp trả khác nhau.  

Quả thật, "cú sốc Nixon" (hay cú sốc đồng USD) 50 năm trước đã làm thay đổi sự vận hành của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Khi đó, một buổi nói chuyện của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khiến giá trị đồng USD chính thức tách biệt với vàng. Kết quả là, việc phát hành đồng USD không còn bị hạn chế bởi lượng dự trữ vàng, trong khi chỉ cần sự đồng ý của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là có thể in tiền không giới hạn. 

Chương trình nới lỏng định lượng (QE) sau đợt "sóng thần" tài chính năm 2008 cũng như vậy, và động thái vung tay in tiền để ứng phó với dịch bệnh năm 2020 là minh chứng cho "sự tự do" này. 

Mặc dù sự tràn ngập của đồng USD đã cung cấp thanh khoản dồi dào cho toàn cầu, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, đi kèm với đó là những "trái đắng", chẳng hạn như giá cả tăng toàn diện, bong bóng tài sản phình to, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tồi tệ…, khiến cả thế giới buộc phải chia sẻ gánh nặng. 

Dựa vào địa vị thống trị lâu năm trong hệ thống tiền tệ quốc tế, Mỹ đã mạnh tay in tiền. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng lợi thế tín dụng đã khiến giá trị của đồng USD bắt đầu bị hoài nghi. 

Trong hoàn cảnh giá trị đồng USD đang dần bị thế giới nghi ngờ, NDT trở thành niềm hy vọng mới thay thế, do đó tiến trình quốc tế hóa NDT nhận được sự quan tâm của nhiều người. 

Chỉ có điều, dù tiến trình quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc đạt được nhiều thành quả tích cực về thương mại xuyên biên giới cũng như đầu tư, địa vị của đồng USD vẫn khó lung lay.   

Bên cạnh việc tại Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn chưa được nới lỏng toàn diện, một nguyên nhân then chốt khác là mức độ tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với đồng NDT vẫn chưa được thiết lập đầy đủ. Theo nhà kinh tế quốc tế nổi tiếng Barry Eichengreen, mức độ tin tưởng này dựa trên nền tảng dân chủ hóa, và điều này chính là điểm điểm yếu của Trung Quốc. 

* Tiền kỹ thuật số - chiến trường cạnh tranh hoàn toàn mới

Chuyên gia Barry Eichengreen liệt kê các nước đã trải qua lạm phát quốc tế trong quá khứ, chẳng hạn như Hà Lan, Anh và Mỹ… và nhấn mạnh trong số này không có quốc gia nào không dân chủ. Rõ ràng, đồng tiền một nước muốn quốc tế hóa, thì dân chủ hóa là một điều kiện cần thiết trong số đó. 

Bước vào thế kỷ XXI, việc liệu học thuyết của ông Barry Eichengreen có còn chính xác hay không vẫn cần sự phát triển của tương lai để chứng minh. Mặc dù vậy, để đạt được mức độ tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy người dân các nước khác sẵn sàng sử dụng NDT làm phương tiện giao dịch, đơn vị tính toán hoặc công cụ cất giữ giá trị, đây chính là một trong những nhân tố then chốt.

Trước đây, Trung Quốc thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT dựa trên tư duy chiến lược. Tuy nhiên, mặc dù phương châm tổng thể không sai, nhưng nước này vẫn còn nhiều khâu cần phải thay đổi và điều chỉnh, thậm chí phải cần phải có chiến lược mới. Đồng NDT kỹ thuật số nên là một công cụ và "quân bài" mặc cả hoàn toàn mới có thể khai thác sử dụng một cách khéo léo.     

Về biện pháp thực tế, có thể thông qua lợi thế dẫn đầu toàn cầu của đồng NDT kỹ thuật số, kết hợp với sức ảnh hưởng kinh tế của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), để tăng cường vai trò thanh toán xuyên biên giới của đồng tiền này ở các nước dọc tuyến BRI. 

Điều này cũng có nghĩa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đồng NDT kỹ thuật số là trở thành đồng tiền trụ cột của khu vực, tiếp đó thách thức địa vị đồng tiền quốc tế của đồng USD. 

Đầu năm nay, PBoC phối hợp với Hong Kong (Trung Quốc), ngân hàng trung ương các nước như Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cùng khởi động dự án nghiên cứu cầu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương đa phương (m-CBDC Bridge) để khám phá ứng dụng của NDT điện tử trong thanh toán xuyên biên giới. Đây là một khởi đầu tốt.  

Dưới sự thúc đẩy của làn sóng kỹ thuật số, sự cạnh tranh lẫn nhau của tiền kỹ thuật số đã trở thành "chiến trường" tiền tệ hoàn toàn mới. Có lẽ do quá tự tin vào đồng USD, Mỹ không có ý thức cạnh tranh trong chiến trường này và hành động tương đối chậm trễ. 

Nếu Trung Quốc có thể nắm chắc cơ hội này và phát huy lợi thế đi trước của NDT điện tử, từng bước đáp ứng nhu cầu thanh toán thương mại và nhu cầu đầu tư tiền kỹ thuật số, đồng thời thiết lập cảm giác tin cậy trong việc sử dụng của người dân và doanh nghiệp sở tại, sức ảnh hưởng và hấp dẫn của NDT kỹ thuật số chắc chắn sẽ được cải thiện. 

Đến lúc đó, sứ mệnh quốc tế hóa đồng NDT sẽ diễn ra một cách tự nhiên./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục