Liệu Trung Quốc có điều chỉnh cơ chế tỷ giá đồng nhân dân tệ?

05:30' - 30/05/2021
BNEWS Theo quan chức ngân hàng trung ương, tỷ giá đồng nhân dân tệ nhìn chung do cơ chế thị trường quyết định và cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chính sách duy trì tỷ giá ở mức ổn định và cân bằng.

Giới phân tích đánh giá khả năng Trung Quốc sẽ không thay đổi cơ chế hình thành tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) được thể hiện thông qua tuyên bố của ông Liu Guoqiang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), rằng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý là phù hợp với Trung Quốc hiện tại và trong tương lai gần.

Theo quan chức ngân hàng trung ương, tỷ giá đồng nhân dân tệ nhìn chung do cơ chế thị trường quyết định và cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chính sách duy trì tỷ giá ở mức ổn định và cân bằng. 

Tuy nhiên, hồi tuần trước, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Zhou Chengjun thuộc PBoC đã tuyên bố rằng đồng NDT phải được mua bán tự do. Theo ông Zhou Chengjun, Trung Quốc phải từ bỏ quyền kiểm soát đối với tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ nếu họ muốn đạt được mức sử dụng nhân dân tệ trên toàn cầu nhiều như đồng USD hoặc đồng euro. 

* Thế nào là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý

Ông Zhou Chengjun cho rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ sẽ phải được xác định bởi những người tham gia thị trường toàn cầu và điều này sẽ cho phép Trung Quốc có dòng vốn xuyên biên giới tự do, cũng như theo đuổi chính sách tiền tệ độc lập trong điều kiện tài khoản vốn mở, chính sách tiền tệ độc lập.

Bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc vẫn chưa tự do hóa tài khoản vốn và vẫn duy trì cơ chế kiểm soát đối với việc hình thành tỷ giá hối đoái. PBoC đặt giá trị tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD hàng ngày và tỷ giá hối đoái thực có thể dao động trong phạm vi cộng trừ 2% từ điểm chuẩn này. 

Trong những năm gần đây, PBoC nhiều lần tuyên bố cơ quan quản lý nên ngừng các biện pháp can thiệp ngoại hối hàng ngày. Một trong những hậu quả là việc tỷ giá nhân dân tệ giảm mạnh vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi đồng NDT giảm xuống dưới mốc 7 NDT đổi 1 USD. Tuy nhiên, PBoC vẫn là "người chơi" quan trọng nhất trên thị trường ngoại hối trong nước.

PBoC áp dụng yếu tố phản chu kỳ để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính trong khi các hạn chế nghiêm trọng đối với việc rút vốn vẫn còn. Ví dụ, cá nhân được phép mua ngoại tệ không quá 50.000 USD/năm và có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc thu hồi lợi nhuận của công ty. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ có thể đầu tư vào thị trường nước ngoài theo hạn ngạch được xác định nghiêm ngặt, cũng như theo các chương trình Kết nối cổ phiếu và Kết nối trái phiếu. Hơn nữa trong trường hợp này, tài khoản giao dịch vẫn nằm ở Trung Quốc.

Những hạn chế này gây ra những trở ngại nhất định đối với quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đối với doanh nghiệp quốc tế, việc thanh toán bằng các tiền tệ tự do chuyển đổi phổ biến nhất như đồng USD và euro… dễ dàng hơn nhiều.

Các khoản thanh toán bằng NDT chỉ được sử dụng khi đối tác tin chắc rằng hàng hóa hoặc dịch vụ phải được mua tại Trung Quốc. Kết quả là mặc dù đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), nhưng đồng tiền Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% dự trữ toàn cầu và 1,76% tổng số thanh toán xuyên biên giới toàn cầu. 

* Rủi ro "bốc hơi" dòng vốn

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hơn một nửa tổng kim ngạch tiền tệ trên thế giới được tính bằng đồng USD, hơn 1/5 được tính bằng đồng euro và phần còn lại được phân bổ giữa đồng yen, bảng Anh, nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác. 

Do đó, Trung Quốc cần phải mở tài khoản vốn để đồng nhân dân tệ được tự do thả nổi nếu Bắc Kinh muốn biến đồng tiền của mình thực sự mang tính quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng mang lại những rủi ro tài chính nghiêm trọng, ông Lü Suiqi, Trợ lý Giáo sư tại Viện Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Chuyên gia Lü Suiqi cho rằng khi nền kinh tế phát triển ổn định và mọi thứ đã đi vào nề nếp thì việc mở tài khoản vốn không gặp vấn đề nào. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, điều này sẽ tạo ra nguy cơ dòng vốn chảy khỏi nền kinh tế. Và điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Trung Quốc đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Khi đó, xuất khẩu của một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, khi thị trường phát triển quá nóng và xuất khẩu giảm do đồng tiền quốc gia mạnh lên, đã xuất hiện hiện tượng dòng vốn chảy mạnh từ Đông Nam Á sang thị trường Mỹ (một phần là bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thay đổi chính sách khiến lãi suất tăng lên). Kết quả là "những con hổ" châu Á lần lượt đến bờ vực sụp đổ.

Ngày nay, Trung Quốc đang ở thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trước hết, quốc gia này đã đối phó với dịch COVID-19 thành công hơn nhiều nước khác và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện ở ngưỡng khá cao. 

Thứ hai, Trung Quốc có thị trường nội địa quy mô lớn và không giống như Ấn Độ, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số và có tiềm năng tiêu dùng tốt. 

Cuối cùng, chính sách tiền tệ ôn hòa của Trung Quốc, không giống như một số nước phương Tây, cho phép Bắc Kinh duy trì môi trường lãi suất cao hơn lãi suất của nhiều thị trường phát triển. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc đã thu hút được 520,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 80% so với hồi năm 2019.

Nhờ đó, Trung Quốc, giống như thị trường "những con hổ" châu Á vào cuối những năm 1990, đang trở thành điểm đến ưa thích của dòng chảy vốn toàn cầu. Một mặt, điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thậm chí có thể tạo ra sự tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần tính đến kinh nghiệm của các nước khác và nhận thấy rõ những rủi ro của quá trình này. 

Bất kỳ sự thay đổi nhỏ nhất trên thị trường toàn cầu có thể khiến dòng vốn ngay lập tức "bốc hơi", dẫn đến cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính của đất nước. Do đó, Trung Quốc không vội vàng loại bỏ các hạn chế đối với tỷ giá hối đoái và sự luân chuyển vốn, để không gây nguy hiểm cho sự ổn định và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục