Động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng

10:59' - 03/10/2020
BNEWS Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được triển khai có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Sáng 3/10, tại thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư nghiên cứu dự án) và các cơ quan chức năng tổ chức Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) nối Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối tuyến cao tốc vào thành phố Cao Bằng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng từng bước thay đổi, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là tỉnh còn rất nghèo, thu ngân sách năm 2019 chỉ đạt 2.208 tỷ đồng, đứng trong nhóm cuối của cả nước về số thu ngân sách.

Nguyên nhân chính được xác định do là hệ thống giao thông quá kém, chỉ có mỗi đường bộ. Giao thương giữa Cao Bằng với các địa phương khác chỉ qua các tuyến đường bộ Quốc lộ 3, Quốc lộ 4A, Quốc lộ 34, Quốc lộ 34B, Quốc lộ 4C, đường Hồ Chí Minh. Tuy các tuyến đường này đã được nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn rất thấp, đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm,… Do vậy các tuyến giao thông này không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Cao Bằng.

“Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác, việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng đất nước”, ông Hoàng Xuân Ánh cho hay.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, xác định giao thông là một trong những “điểm nghẽn”, trở lực làm cho Cao Bằng chậm phát triển so với nhiều địa  phương trong cả nước, 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những đề xuất tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17,5km. Đồng thời xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.

Do vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km); tổng vốn đầu tư dự án sẽ được kéo giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó là 47.520 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 10/8/2020, tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư-PPP, loại hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).

Theo đó, dự án có quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng; Giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22km từ huyện Quảng Hoà đến cửa khẩu Trà Lĩnh và mở rộng hoàn thiện mặt các ngang đoạn còn lại.

Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2020 đến năm 2024 và giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2025. Về phương án tài chính của dự án, chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án và Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.

Về 2 tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội kết nối cao tốc, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết gồm đường giao thông Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thuỵ Hùng - Vân Trình đều thuộc địa bàn huyện Thạch An sẽ đồng hộ kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, đồng thời phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng khác được thuận lợi. Dự án kết nối vùng giúp ranh, tạo điều kiện giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoàn thiện mạng lưới giao thông vận chuyển hàng hoá trên tuyến đường.

 

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh  được triển khai có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Bên cạnh đó, dự án thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Trung Quốc, Kazakhstan và sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục