Đồng USD giảm, yen tăng mạnh sau số liệu CPI của Mỹ

12:19' - 12/07/2024
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 11/7, đồng USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ đi xuống trong tháng Sáu.

Trong khi đó, đồng yen tăng mạnh làm dấy lên suy đoán về khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối.

 

Đồng yen có thời điểm tăng hơn 2%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 38 năm so với đồng USD vào tuần trước.

Các nhà phân tích lưu ý rằng diễn biến này có thể là do chỉ số CPI của Mỹ giảm. Với số liệu này, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng Chín được coi là chắc chắn hơn.

Ông Athanasios Vamvakidis, Giám đốc chiến lược G10 FX toàn cầu của ngân hàng Bank of America Global Research ở London, cho rằng đây chỉ là phản ứng với chỉ số CPI yếu của Mỹ. Ông cho biết đồng USD suy yếu trên diện rộng, và còn giảm mạnh hơn khi so với đồng yen.

Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,49% xuống 104,45, sau khi có thời điểm xuống mức 104,07, mức thấp nhất kể từ ngày 7/6. So với đồng yen, đồng USD giảm 1,81% xuống 158,75 yen đổi 1 USD sau khi chạm mức 157,4 yen đổi 1 USD, mức yếu nhất kể từ ngày 17/6.

Ông Michael Boutros, chiến lược gia cấp cao của công ty dịch vụ tài chính FOREX.com ở New York, lưu ý rằng đồng USD đã chạm đến vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng so với đồng yen, và cần phải duy trì trên mức đó mới có thể giữ được xu hướng tăng của đồng USD kể từ tháng 12 năm ngoái.

Sau diễn biến nói trên, hãng tin Jiji đưa tin Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Masato Kanda, ngày 11/7 đã bày tỏ lo ngại về những biến động tỷ giá gần đây, vốn bị chi phối bởi đầu cơ và không phù hợp với tình hình cơ bản. Ông Kanda cũng cho biết những biến động ngoại hối kể từ đầu năm "rất lớn", ảnh hưởng đến các hộ gia đình.

Đây là những cảnh báo mạnh mẽ nhất cho đến nay từ phía giới chức Nhật Bản về sự giảm giá mạnh gần đây của đồng yen so với đồng USD. Tuy nhiên, ông Kanda cho biết ông không thể bình luận về việc liệu chính quyền có can thiệp vào thị trường hay không.

Số liệu CPI tháng Sáu của Mỹ được công bố sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này cho biết chưa thể kết luận rằng lạm phát đang giảm ổn định xuống 2% mặc dù ông phần nào có niềm tin về điều đó.

Trước đó, lạm phát tăng cao bất ngờ trong quý đầu tiên đã làm dấy lên lo ngại rằng giá cả sẽ giảm chậm hơn so với dự đoán. Ngoài ra, cũng có lo ngại rằng lạm phát sẽ khó giảm hơn so với năm 2023, sau những diễn biến tích cực vào nửa cuối năm ngoái.

Thep ông Steve Englander, Trưởng bộ phận nghiên cứu G10 FX toàn cầu và chiến lược vĩ mô tại Bắc Mỹ của ngân hàng Standard Chartered chi nhánh New York, “câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể duy trì hoặc thúc đẩy mức giảm lạm phát này hay không".

Cũng trong phiên này, đồng euro tăng 0,34% lên 1,0867 USD đổi 1 euro và có thời điểm đạt 1,090 USD đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ ngày 7/6.

Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,51% lên 1,2911 USD đổi 1 bảng Anh và có thời điểm đạt 1,2947 USD đổi 1 bảng Anh, mức cao nhất kể từ ngày 27/7/2023. Diễn biến này là do bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tốt hơn dự báo khiến các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng về khả năng BoE sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Tám.

Nhà kinh tế trưởng của BoE, ông Huw Pill, mới đây cho biết áp lực giá vẫn dai dẳng và số liệu được công bố ngày 11/7 cho thấy GDP của Anh tăng 0,4% trong tháng Năm, cao hơn dự đoán trước đó.

Trên thị trường tiền điện tử, đồng bitcoin tăng 0,72% lên 57.821 USD/BTC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục