Dự án mở rộng Quốc lộ 9 đến cảng Cửa Việt đã chậm tiến độ 1,5 tháng

16:21' - 01/07/2022
BNEWS Dự án dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 đã được khởi công từ cuối tháng 3/2022 và phải hoàn thành cuối năm nay nhưng sản lượng mới đạt 2%.
Phần mặt bằng được bàn giao ít ỏi nhưng các nhà thầu đã đẩy mạnh thi công ngay. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), dự án dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (tỉnh Quảng Trị) đã được khởi công từ cuối tháng 3/2022 và phải hoàn thành cuối năm nay nhưng sản lượng mới đạt 2%, chậm tiến độ tới 1,5 tháng. 

Theo đó, nguyên nhân chậm tiến độ theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông là do kinh phí giải phóng mặt bằng tăng cao, địa phương thiếu vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng. Hiện mới giải phóng được 2,3 km trong tổng số gần 14 km của toàn dự án.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, ngay sau khi dự án được khởi công các nhà thầu đã huy động đủ máy móc, thiết bị để sẵn sàn đẩy mạnh thi công với quyết tâm hoàn thành vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, vì thiếu mặt bằng nên các nhà thầu mới chỉ dừng lại ở việc phát quan, sản lượng lớn nhất của dự án mới chỉ dừng lại ở việc thi công một số cầu, cống…. Hiện, nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn do phải phát sinh kinh phí duy trì đội ngũ kỹ sư, công nhân trên công trường mà không có mặt bằng để thi công.

Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Trị trong tháng 5/2022 sẽ hoàn tất việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên liên quan đến dự án để bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 3. Thế nhưng đến nay, phạm vi đã bàn giao mặt bằng vẫn còn vướng đường điện, đường ống cấp nước, cáp viễn thông và một số mồ mả làm chậm tiến độ dự án.

Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, ngày 23/6 vừa qua, UBND tỉnh Quang Trị đã có thông báo số 110/TB-UBND thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tại buổi làm việc về công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc  lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đi Quốc lộ 1.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: đây là dự án trọng yếu và trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng củađịa phương. Do đó, cả hệ thống chính trị quyết tâm, nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Tiến độ dự án hết sức gấp rút nhưng công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, do đó UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan của các địa phương Cam Lộ, Gio Linh, thành phố Đông Hà và Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông của tỉnh cần quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong giải phóng mặt bằng”, kết luận của UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ.

Cụ thể, UBND tỉnh đã chốt mốc tiến độ giải phóng mặt bằng. Đó là, phần đất lúa phải hoàn thành chi trả tiền cho bà con nông dân trước ngày 30/6/2022. Các loại đất nông nghiệp tại huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà và các xã Gio Quang, Gio Mai của huyện Gio Linh phải bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 15/7/2022. Các đoạn còn lại phấn đấu đến ngày 30/7/2022 phải hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị bố trí các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các nhà thầu có mặt bằng thi công đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án đã đề ra. Nếu chậm trễ có thể dự án sẽ phải tạm dừng vì yêu cầu khắt khe từ phía Ngân hàng Thế giới.

Tổng kinh phí dự kiến để giải phóng mặt bằng ban đầu là hơn 75 tỷ đồng, nay tăng lên ở mức gần 300 tỷ đồng.Đặc biệt, các địa phương đang còn vướng mắc trong xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tài sản nằm trên đất liên quan đến vi phạm hành lang an toàn giao thông...

Theo số liệu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng diện tích thu hồi của dự án là 512.527 m2 với 807 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, đất ở đô thị và nông thôn 17.500 m2, đất trồng lúa 45.554 m2, đất giao thông và thủy lợi 315.461 m2, đất nghĩa địa 10.058 m2, đất khác 123.954 m2; 113 ngôi nhà, hiện có 37 ngôi nhà trong diện phải thực hiện tái định cư...

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc diện giải phóng mặt bằng như: công trình cấp nước sinh hoạt dài 13,8 km; công trình điện lưới, điện chiếu sáng dân sinh gần 6,2 km; công trình viễn thông, cáp quang 13,8 km đang thực hiện các bước theo quy định. Dự án đi qua các địa bàn huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh.

Theo Ban Quản lý dự án 3, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn của dự án "Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam" vay vốn từ WB với tổng mức vốn đầu tư dự án là 19,05 triệu USD, tương đương 440,38 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021 – 2022.

Dự án có tổng chiều dài 13,8km, điểm đầu từ Cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và điểm cuối là nơi giao nhau với Quốc lộ 1 tại Km 754 + 042, ngã tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ). Quy mô đường cấp II, 4 làn xe; tổng bề rộng nền đường 28 m, không bao gồm phần hè đường.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 là tuyến giao thông quan trọng phía Bắc của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết nối trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Đông Hà với khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, Khu bến cảng Cửa Việt và các khu đô thị, khu công nghiệp đa ngành phía Bắc khu kinh tế Đông Nam... Quảng Trị còn là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây về phía Việt Nam và Quốc lộ 9 là tuyến giao thông huyết mạch nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar…

Hiện trạng đoạn tuyến Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (ngã tư Sòng) được đầu tư xây dựng từ năm 1997 với quy mô đường cấp III đồng bằng, chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khu vực. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường này theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng là rất cần thiết.

UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, sau khi được đầu tư nâng cấp, tuyến đường góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, vận tải hàng hóa qua cảng Cửa Việt.

Đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác các thế mạnh về giao thương hàng hóa, dịch vụ du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục