Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1: Đi tìm nguồn gốc thiết bị chính của gói thầu M05?

12:20' - 25/07/2017
BNEWS Các thiết bị chính của gói thầu Hệ thống khử lưu huỳnh (M05) dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có nguồn gốc từ EU/G7 hay từ Trung Quốc như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đi thị sát tại công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 ngày 24/3/2017. Ảnh: PVN

Những ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện thông tin thiết bị chính của gói thầu khử lưu huỳnh dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cả chủ đầu tư PVN và Tổng thầu EPC đều khẳng định đây là các thiết bị có nguồn gốc từ EU/G7. 

Giám sát chặt quá trình mời thầu 

Đại diện PVN cho biết, theo thiết kế ban đầu và hợp đồng EPC được chủ đầu tư ký với tổng thầu EPC là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) thì dự án sử dụng công nghệ bản quyền tiên tiến của EU/G7. 

Về phía tổng thầu EPC, LILAMA đã có công văn số 935/TCT-KTKT ngày 18/7/2017 gửi Bộ Công Thương khẳng định, toàn bộ các thiết bị, công nghệ trong gói thầu M05 tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có nguồn gốc EU/G7, không có thiết bị nào có nguồn gốc của Trung Quốc, Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn cho biết. 

Đặc biệt, trong quá trình lựa chọn các nhà thầu, tổng thầu EPC đã tuân thủ nghiêm túc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại công văn số 5826/VPCP-V.I ngày 6/6/2017, chỉ đạo của Bộ Công Thương tại công văn số 5205/BCT-TCNL ngày 14/6/2017, tuân thủ theo hồ sơ yêu cầu đã phát hành và những yêu cầu khắt khe nhất của chủ đầu tư. 

Thực tế cho thấy, ngay sau khi hợp đồng EPC có hiệu lực, LILAMA đã triển khai lập hồ sơ yêu cầu cho gói thầu M05 - khử lưu huỳnh gửi chủ đầu tư để góp ý.

Trên cơ sở góp ý của chủ đầu tư về nội dung của hồ sơ yêu cầu, LILAMA đã phê duyệt và phát hành hồ sơ yêu cầu tới các nhà thầu phụ đã được phê duyệt là Alstom, Hamon Reseach-Cottrell Gmb (Hamon), KC-Cottrell Co., Ltd (KC-Cottrell), Mitsubishi Hitachi Power System, Co.Ltd (MHPS) và Kawasaki Heavy Industries, Co.Ltd (KHI).

Đến thời điểm đóng thầu ngày 14/9/2015, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất theo đúng thời gian quy định của hồ sơ yêu cầu là Hamon, MHPS và KC-Cottrell.

Việc lựa chọn các nhà thầu cũng được thực hiện dựa trên sự xem xét, đánh giá tổng thể về năng lực, kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự; năng lực tài chính của các nhà thầu; xem xét đề xuất kỹ thuật, đề xuất thu xếp vốn, đại diện LILAMA nhấn mạnh.

Đơn cử trong giai đoạn đầu, sau khi xem xét đầy đủ các yếu tố của 3 nhà thầu là Hamon, MHPS và KC-Cottrell, LILAMA xác định chỉ có Hamon và MHPS đáp ứng cơ bản các tiêu chí kỹ thuật theo hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, do mức giá đề xuất của Hamon và MHPS cao hơn dự toán của gói thầu nên kết quả chào thầu lần này không được chủ đầu tư chấp thuận; đồng thời chủ đầu tư đã yêu cầu LILAMA mời thầu lại.

Trong lần chào thầu lại này, chỉ có 2 nhà thầu Hamon và KC-Cottrell nộp hồ sơ đề xuất theo đúng thời gian quy định 30/9/2016, còn nhà thầu MHPS có thư thông báo không tham gia chào giá với lý do giá gói thầu của chủ đầu tư quá thấp. Dựa trên hồ sơ đề xuất, tổng thầu EPC đã thực hiện mở hồ sơ đề xuất đánh giá 2 nhà thầu.

Kết quả với nhà thầu Hamon, giá đề xuất là 57.792.500 USD và giá đánh giá là 77.201.128 USD. Còn với nhà thầu KC-Cottrell, giá đề xuất là 59.500.000 USD và giá đánh giá là 79.129.674 USD.

Theo kết quả này, nhà thầu Hamon là nhà thầu được chọn và được LILAMA kiến nghị vào thương thảo, đàm phán hợp đồng.

Tuy nhiên, do giá đề xuất của nhà thầu vẫn cao hơn so với giá dự toán gói thầu được duyệt của chủ đầu tư nên 2 nhà thầu phải chào lại giá.

Cụ thể, nhà thầu KC-Cottrell đưa ra giá đề xuất là 55.000.000 USD, còn nhà thầu Hamon đưa ra giá đề xuất là 54.985.000 USD.

Với kết quả này, tổng thầu EPC LILAMA đã lựa chọn, kiến nghị mời nhà thầu Hamon vào đàm phán thương thảo hợp đồng.

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn nhà thầu Hamon trong việc thực hiện gói thầu M05 tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đã được Tổng thầu EPC của dự án là LILAMA và chủ đầu tư thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, minh bạch và không có bất kỳ khuất tất nào trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. 

Không sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc

Thực hiện yêu cầu trên, ngày 29/6/2017, PVN và LILAMA đã họp và thống nhất một số nội dung để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Theo đó, chủ đầu tư đã giao LILAMA chủ động tổ chức lựa chọn, phê duyệt kết quả, ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện hạng mục hợp đồng gói thầu hệ thống khử lưu huỳnh. 

Trên cơ sở đó và căn cứ theo hồ sơ yêu cầu đã phát hành cũng như kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất của các nhà thầu, LILAMA đã phê duyệt và mời nhà thầu Hamon Research Cottrell GmbH (Hamon - CHLB Đức) là nhà thầu xếp thứ nhất vào thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng.

Lắp đặt thành công dầm chính lò hơi tổ máy số 2 Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 ngày 29/4/2017. Ảnh: LILAMA

Đại diện PVN cho biết, ngày 18/7/2017, LILAMA đã có công văn số 935/TCT-KTKT gửi Bộ Công Thương và PVN nếu rõ những nội dung chính trong hợp đồng giữa LILAMA và Hamon.

Cụ thể, nhà thầu Hamon đã đề xuất một số thiết bị của hệ thống vận chuyển thạch cao, đá vôi có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, LILAMA đã yêu cầu nhà thầu phải tăng tối đa thiết bị có nguồn gốc từ các nước EU/G7.

Theo đó, nhà thầu Hamon đã thống nhất danh sách các nhà nhầu phụ, nhà cấp hàng với phần lớn thiết bị có nguồn gốc từ các nước thuộc EU/G7. Chỉ có cáp điện, đường ống, hệ thống bảo ôn và một số thiết bị phụ, vật tư nhỏ lẻ được cung cấp từ Việt Nam, Hàn Quốc.

Giá hợp đồng là 54.985.000 USD bao gồm: thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát chế tạo trong nước, giám sát lắp đặt, thí nghiệm, chạy thử, bảo hành, thiết bị vật tư dự phòng cho 2 năm vận hành.

Liên quan đến gói thầu M05, dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu của tổng thầu EPC, Ban Quản lý dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa ký Phụ lục hợp đồng EPC liên quan tới hệ thống khử lưu huỳnh thuộc hợp đồng EPC xây dựng nhà máy chính dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Theo phụ lục hợp đồng được ký kết, LILAMA có trách nhiệm phê duyệt, ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị hệ thống khử lưu huỳnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ trong hợp đồng EPC đã ký kết và giá hợp đồng không được lớn hơn giá trị tương ứng của hạng mục đã được chủ đầu tư phê duyệt. Chủ đầu tư PVN có quyền kiểm soát quá trình lựa chọn ngân hàng phát hành bảo lãnh tổng thầu EPC.

Như vậy, trong việc thực hiện gói thầu M05, tổng thầu LILAMA là đơn vị chịu trách nhiệm chính, toàn diện trước chủ đầu tư PVN trong việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hệ thống khử lưu huỳnh.

Việc triển khai gói thầu M05 được LILAMA thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để lựa chọn được nhà thầu tốt nhất, đảm bảo tối ưu chất lượng của toàn hệ thống trong cả giai đoạn vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng./.

>>>Nhiệt điện Sông Hậu 1 lắp đặt thiết bị áp lực lò hơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục