Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học của Total bị phản đối mạnh

20:44' - 03/07/2019
BNEWS Nhà máy đặt tại La Mede gần thành phố Marseille trước đây là nhà máy lọc dầu song đã được chuyển đổi công năng và hiện là một trong những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất ở châu Âu.
Trong ảnh (tư liệu): Nhà máy lọc dầu La Mede của Total ở Chateauneuf-les-Martigues, miền nam nước Pháp, được cải tạo thành một trong những nhà máy lọc nhiên liệu sinh học lớn nhất châu Âu. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tập đoàn Năng lượng Total (Pháp) ngày 3/7 cho biết đã bắt đầu sản sản xuất nhiên liệu sinh học tại một nhà máy ở miền Nam nước Pháp - dự án đã làm dấy lên sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường và nông dân đối với kế hoạch nhập khẩu dầu cọ của doanh nghiệp này.

Nhà máy trên được đặt tại La Mede gần thành phố Marseille trước đây là nhà máy lọc dầu song đã được chuyển đổi công năng, và hiện là một trong những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất ở châu Âu.

Theo Total, nhà máy trên có sản lượng 500.000 tấn nhiên liệu sinh học/năm, trong đó có nhiên liệu sinh học sử dụng cho ngành hàng không.

Hiện tại, các tập đoàn Eni của Italy và Neste Oil của Phần Lan cũng đã vận hành các nhà máy có quy mô tương đương.

Total cho biết hãng muốn nhập khẩu 300.000 tấn dầu cọ/năm, gây bức xức cho những người trồng hạt cải dầu và hướng dương.

Tháng trước, những người nông dân đã phong tỏa La Mede và 12 nhà máy lọc dầu khác nhằm phản đối việc cạnh tranh không công bằng, cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài không phải chịu sự quản lý như các nhà sản xuất châu Âu.

Động thái này diễn ra bất chấp việc Total đã cam kết sử dụng ít nhất 50.000 tấn dầu hạt cải, trong tổng số 650.000 tấn nhiên liệu được xử lý mỗi năm tại La Mede. Liên đoàn nông dân lớn nhất của Pháp mới đây cũng đã kêu gọi cấm nhập khẩu dầu cọ.

Nhà máy lọc trên được thiết kế để sản xuất nhiên liệu sinh học từ nhiều loại dầu khác nhau, với 60-70% trong số đó là từ các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, hướng dương, đậu nành, cọ và ngô. Trong khi đó, 30-40% còn lại sẽ đến từ chất thải đã qua xử lý như mỡ động vật, dầu ăn.

Nhiên liệu sinh học được sản xuất trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như dầu thực vật hay dầu cọ - vấn đề mà các nhà bảo vệ môi trường cho rằng đã gây ra tình trạng phá rừng hàng loạt, chủ yếu là ở khu vực Đông Nam Á.

Total bắt đầu chuyển đổi công năng của nhà máy ở La Mede hồi năm 2015 khi nhà máy này sử dụng khoảng 430 lao động và rơi vào thua lỗ do tình trạng dư cung dầu mỏ ở châu Âu.

Total cho biết đã đầu tư 275 triệu euro (310 triệu USD) vào dự án trên và dự kiến sử dụng 250 lao động.

Theo kế hoạch ban đầu, hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học tại nhà máy trên dự kiến bắt đầu diễn ra từ năm 2018, song đã bị đình hoãn vì các lý do kỹ thuật liên quan tới quá trình chuyển đổi công năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục