Dự báo kiều hối đổ về Ai Cập tăng mạnh trong năm nay

09:47' - 15/05/2022
BNEWS Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE), dòng kiều hối đổ về quốc gia này đã tăng 6,4% năm ngoái, chạm ngưỡng 31 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nghiên cứu về dòng kiều hối toàn cầu, trong đó nhận định lượng kiều hối gửi về Ai Cập sẽ tăng 8% trong năm nay bất chấp những thách thức và biến động của nền kinh tế thế giới.

 

Theo nghiên cứu có tên gọi “Chiến ‎tranh trong đại dịch: Những tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine và dịch COVID-19 đối với quản trị toàn cầu về dòng kiều hối và di cư”, WB đánh giá Ai Cập cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia thu hút nhiều kiều hối nhất năm 2021 với tổng giá trị 32 tỷ USD, chỉ đứng sau Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc và Philippines.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE), dòng kiều hối đổ về quốc gia này đã tăng 6,4% năm ngoái, chạm ngưỡng 31 tỷ USD. Đây là mức kiều hối cao nhất được ghi nhận trong lịch sử của Ai Cập.
Trên bình diện khu vực, nghiên cứu của WB lưu ý rằng kiều hối từ các quốc gia đang phát triển tại Trung Đông và Bắc Phi đã tăng 7,6% trong năm ngoái lên mức kỷ lục 61 tỷ USD, thúc đẩy nhờ mức tăng mạnh ghi nhận tại Maroc (40%) và Ai Cập (6,4%).

Theo WB, kiều hối là ngoại lực lớn nhất để xây dựng kinh tế Trung Đông – Bắc Phi khi chiếm tới 61% tổng dòng vốn đổ vào khu vực này, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Báo cáo dự đoán dòng kiều hối chảy vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 4,2% lên mức kỷ lục 630 tỷ USD năm nay.
Trong diễn biến liên quan, Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s (S&P) mới đây công bố báo cho biết Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi dầu mỏ tư nhân của Ai Cập đã tăng nhẹ từ mức 46,5 trong tháng 3 lên 49,9 trong tháng 4, song lĩnh vực này vẫn đang phải trải qua giai đoạn suy giảm nhanh trong vòng 2 năm qua.

Bên cạnh đó, khu vực phi dầu mỏ của Ai Cập cũng ghi nhận mức độ sụt giảm đáng kể các đơn hàng mới trong tháng Tư, khi nhu cầu của khách hàng tụt dốc do sức ép chi phí sinh hoạt leo thang./.

>>>Ai Cập: Lạm phát tăng mạnh do giá thực phẩm "leo thang"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục